Rút ngắn thời gian ngồi trong ngày có thể là chìa khóa kéo dài tuổi thọ. Thời gian ngồi liên hệ mật thiết tới độ dài telomere hay đoạn cuối nhiễm sắc thể trong tế bào.Nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển đăng trên Tập san y học Anh khẳng định việc hạn chế ngồi quá lâu trong ngày quan trọng hơn cả việc duy trì tập luyện thể lực nếu muốn sống lâu hơn. Nguyên nhân, bởi thời gian ngồi có liên hệ mật thiết tới độ dài telomere - đoạn cuối của nhiễm sắc thể trong tế bào. Độ dài telomere được cho là manh mối tiết lộ về tuổi thọ của con người.
49 người từ 60 tuổi trở lên và bị thừa cân đã tham gia vào nghiên cứu. Một nửa trong số này đăng ký chương trình tập luyện kéo dài 6 tháng trong khi số còn lại thì không. Những tình nguyện viên còn được đo độ dài điểm cuối nhiễm sắc thể trong tế bào máu và đánh giá mức độ vận động từ các thông số ghi lại trong nhật ký và máy đếm bước chân. Họ cũng trả lời bảng hỏi, trong đó có câu đề cập tới thời gian ngồi hàng ngày.
Tổng hợp các thông tin trên, nghiên cứu nhận định những người rèn luyện thể lực nhiều có xu hướng khỏe mạnh hơn. Song nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới độ dài đoạn cuối nhiễm sắc thể, hay nói cách khác là tác động tới tuổi thọ lại là thời gian ngồi trong ngày.
Giáo sư Mai-Lis Hellenius, Bệnh viện ĐH Karolinska (Stockholm, Thụy Điển) nhận xét: “Tại nhiều nước, mức độ vận động thể lực của con người đã tăng lên nhưng song song với đó, thời gian ngồi trong ngày cũng nhiều hơn. Không chỉ lười vận động mà có lẽ cả việc ngồi quá lâu là một hiểm họa mới cho sức khỏe của nhân loại trong thời kỳ này”.
Theo bà, chỉ cần giảm đi một giờ ngồi liên tục mỗi ngày, chúng ta có thể tự mở cho mình cơ hội sống lâu hơn và tác động của nó thậm chí lớn hơn cả các bài tập thể dục.