Kết quả của cuộc cấy ghép đã được đăng tải trên trang web của tạp chí y học The Lancet vào ngày hôm nay.
Cuộc cấy ghép được thực hiện cho Claudia Castillo, một bà mẹ 30 tuổi
người Colombia sống ở Barcelona. Castillo bị hen suyễn trong nhiều năm.
Hồi tháng 3 vừa qua, sau khi phổi bên trái bị hỏng nặng, Castillo phải
đến bệnh viện thường xuyên để làm sạch đường thở.
Mới đầu, các bác sỹ cho rằng giải pháp duy nhất là cắt bỏ toàn bộ phổi
bên trái của cô. Tuy nhiên sau đó bác sỹ Paolo Macchiarini, người đứng
đầu khoa phẫu thuật ngực tại Hospital Clinic ở Barcelona đã đề xuất cấy
ghép
khí quản.
Và khi các bác sỹ đã có đường khí quản của người hiến tặng, các nhà khoa
học ở Trường đại học Padua, Italia, đã vứt bỏ tất cả các tế bào trên
khí quản, chỉ để lại một đường ống mô liên kết.
Trong khi đó, các bác sỹ ở trường Đại học Bristol lấy mẫu tủy xương ở
hông của Castillo. Họ dùng tế bào gốc ở tủy xương này để tạo ra hàng
triệu tế bào mô và sụn để phủ và tạo nên đường ống khí quản.
Các chuyên gia ở Đại học Milan sau đó dùng một thiết bị để đưa các sụn
và mô mới lên trên đường khí quản. Rồi đường khí quản mới được cấy ghép
cho Castillo vào tháng 6 vừa qua.
“Họ đã tạo ra một cấu trúc mà xét về chức năng cũng như sinh vật học không thể bị cơ thể bệnh nhân từ chối được”, bác sỹ Allan Kirk thuộc Hiệp hội cấy ghép Mỹ cho biết.
“Đây là một bước tiến quan trọng, mặc dù việc xây dựng một bộ phận hoàn toàn mới vẫn còn một chặng đường dài phía trước”.
Cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy cơ thể Castillo từ chối bộ
phận mới. Cô cũng sẽ không uống bất kỳ loại thuốc khử miễn dịch nào,
loại thuốc có thể gây ra những phản ứng phụ như huyết áp tăng cao, suy
thận hoặc ung thư.
“Mới đầu tôi rất sợ”, Castillo cho biết với báo chí.
“Nhưng giờ tôi đang tận hưởng cuộc sống và rất hạnh phúc khi bệnh đã được chữa”.
Các bác sỹ cho biết hiện Castillo đã có thể chăm sóc được con cái, đi bộ
với một khoảng cách vừa phải mà không bị khó thở. Thậm chí Castillo cho
biết gần đây cô đã nhảy suốt đêm ở một câu lạc bộ tại Barcelona.
Tuy nhiên bác sỹ Eric Genden, người cũng đã thực hiện ca cấy ghép tương
tự vào năm 2005 tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York, cho rằng những
tiến bộ của Castillo vẫn cần phải được theo dõi sát và phải mất tới 3
năm mới biết chắc chắn liệu cấu trúc sụn của đường khí quản có đặc và
không bị vỡ ra hay không.
Song thành công trên đã mở ra hi vọng cho nhiều người, trong đó có trẻ
em bị dị tật đường hô hấp bẩm sinh, người bị sẹo hoặc bị u ở khí quản,
và những người bị vỡ khí quản.
Nguồn sưu tầm