Viêm thanh khí quản cấp là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Đây là tình trạng viêm phù nề cấp vùng dưới hai dây thanh gây hẹp đường thở, khiến việc hô hấp của trẻ gặp khó khăn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Viêm thanh khí quản cấp thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. Bệnh có hai loại: viêm thanh khí quản do siêu vi và viêm thanh khí quản co thắt.
Viêm thanh khí quản siêu vi: Nguyên nhân do siêu vi: Parinfluenzae, RSV. Adenovirus …
Triệu chứng khởi phát thường là sốt nhẹ, ho, sổ mũi. Vài ngày sau, trẻ có thể sốt cao đến 40 độ C, khan tiếng, ho lớn tiếng. Nếu không được điều trị đường thở sẽ sưng thêm, phủ đầy đàm nhớt làm trẻ khó thở hơn và thở co kéo (có tiếng rít thanh quản).
Tiếng rít thanh quản sẽ tăng khi trẻ khóc hay chơi. Nếu trẻ nằm yên mà vẫn nghe tiếng rít là triệu chứng bệnh trở nặng. Các triệu chứng thường tăng lên về đêm, nặng nhất vào ngày thứ hai, sau đó có thể lui dần trong một tuần.
Viêm thanh khí quản co thắt: Nguyên nhân do dị ứng, viêm hô hấp trên, siêu vi.
Triệu chứng hay xảy ra đột ngột trong đêm. Trẻ có thể bị cảm sổ mũi nhẹ lúc đi ngủ nhưng mấy tiếng sau đột nhiên khó thở nhiều, khan tiếng và ho ong ỏng, kéo dài 2 giờ đến 4 giờ.
Những loại siêu vi gây viêm khí phế quản cấp rất dễ lây nhiễm qua hắt hơi sổ mũi và truyền từ trẻ này qua trẻ khác.
Cách xử trí
Đa số các trường hợp viêm thanh khí quản có thể được điều trị ngoại trú bằng cách giữ ấm vùng cổ, cho bé uống thuốc hạ sốt, giảm ho theo chỉ định của bác sĩ và ăn uống bình thường. Đưa trẻ khám bác sĩ chuyên khoa nhi và theo dõi sát: tri giác, tiếng rít thanh quản, nhịp thở của trẻ.
Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi:
- Nghi ngờ trẻ có dị vật phế quản: tình huống này rất nguy hiểm, nếu không được lấy dị vật ra sớm
- Trẻ vẫn sốt cao liên tục dù đã được cho thuốc hạ sốt.
- Nghe thấy tiếng rít ngay cả khi trẻ nằm yên.
- Trẻ vã mồ hôi, bứt rứt, khó thở (thở nhanh, cánh mũi phập phồng), chảy nước miếng nhiều.
Phòng ngừa viêm thanh khí quản cấp
Cách tốt nhất để phòng ngừa là ngừa các nhiễm trùng. Do đó, cha mẹ phải rửa tay khi chăm sóc con và không để trẻ tiếp xúc với người bị cảm cúm. Viêm thanh khí quản cấp thường là một bệnh tự hạn chế và có diễn biến tốt nếu cha mẹ cảnh giác với bệnh và theo dõi sát trẻ.
Nguồn: bác sĩ gia đình