Việc chẩn đoán hen phế quản (HPQ) ở trẻ em rất khó, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi vì dễ nhầm với viêm tiểu phế quản. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em tăng 3-4 lần sau 20 năm.
Trong quản lý và điều trị HPQ, để can thiệp sớm thì việc chẩn đoán xác định là rất cần thiết. Các triệu chứng sau hướng đến bệnh HPQ.
Triệu chứng cơ năng
- Ho, lúc đầu ho khan sau xuất tiết nhiều đờm, ho dai dẳng, ho nhiều về đêm nhất là lúc thay đổi thời tiết.
- Khạc đờm khi ho đờm trắng dính, có nhiều bạch cầu ái toan. Nếu đờm có mủ là đã có bộ nhiễm viêm phế quản do vi khuẩn.
- Khó thở chủ yếu khó thở ra, kéo dài. Nếu nhẹ chỉ xuất hiện khi gắng sức. Trẻ lớn có cảm giác nặng ngực.
- Trường hợp điển hình khó thở thường xuyên kiểu khó thở ra, có tiếng khò khè.
Triệu chứng thực thể
Nghe có nhiều ran rít, ran ngáy ở phổi, thở khò khè, gõ phổi có thể vang hơn bình thường, vùng đục trước tim giảm, lồng ngực có thể nhô ra phía trước nếu khó thở kéo dài.
Triệu chứng cận lâm sàng
- Xét nghiệm đờm: Trẻ lớn có thể khạc đờm màu trắng, bóng lẫn bọt và dính trong đó có nhiều bạch cầu ái toan và tinh thể charcot leyden. Nếu có bội nhiễm thì đờm có mùi hôi và có vi khuẩn.
- Xét nghiệm máu: Dung tích hồng cầu tăng, bạch cầu ái toan tăng. pH sẽ chuyển thành toan, protein và globulin miễn dịch giảm.
- Thăm dò chức năng hô hấp: Dung tích sống giảm. Lưu lượng đỉnh không đạt chỉ số bình thường (trẻ dưới 5 tuổi khó đo chỉ số này).
- X-quang: Hình ảnh ghi nhận cho thấy có hiện tượng khí phế thũng.
Trong thực tế dựa trên triệu chứng lâm sàng là chính, khi cần thiết mới xét nghiệm. Gina (chương trình quốc tế kiểm soát hen) phân loại HPQ làm 4 bậc theo mức độ nặng nhẹ.
Các thuốc điều trị dự phòng và kiểm soát HPQ
1. Corticoides
Dạng khí dung (bình xịt định liều) ICS: tác dụng kháng viêm, giảm tính thấm thành mạch, giảm xuất tiết phù nề phế quản và gia tăng tác dụng của thuốc giãn phế quản cường bêta 2, giảm nhu cầu sử dụng SABA, giảm đáp ứng phế quản, ít tác dụng phụ nhất là dùng lâu dài và hấp thụ tại chỗ cao.
Các loại đã có: Beclomethasone (Becotid), Budesonide (Puluncort), Fluticasone (Flixotid) và salmeterol + Fluticasone (Seretid).
2. Thuốc giãn phế quản cường bêta 2 tác dụng dài (LABA)
Tác dụng ức chế các cơ chế gây co thắt phế quản, gia tăng hoạt động của hệ lông chuyển. Các loại này được khởi phát chậm (30-60p) trong thời gian dài (12-14 giờ), khống chế bệnh hen lâu dài không phải chỉ để cắt cơn hen cấp.
Các loại đã có: Salmeterol (Serevent), Bambuterol (Bam bec), Formoterol (Foradil), Albuterol (Volmax).
3. Thuốc phối hợp 2 loại (ICS + LABA)
Có tác dụng kép vừa chống viêm vừa chống co thắt phế quản, cải thiện lưu lượng đỉnh nhanh hơn, tăng số ngày không có biểu hiện HPQ. Hiện nay loại này được xem là nền tảng điều trị lâu dài, hiệu quả tối ưu và an toàn cao nhất trong kiểm soát hen.
Các loại đã có: Serstid Evohaler hàm lượng 25/50mcg-25/125mcg-25/250mcg. Seretid Acuhaler hàm lượng 50/100mcg-50/250mcg-50/500mcg tùy theo trẻ có thể dùng loại xịt hoặc loại hít.
Các thuốc cắt cơn nhanh (SABA)
Cường bêta 2 dạng khí dung: Salbutamon (Ventolin), Terbutaline (Bricanyl).
Kháng Cholinergic hít: Ipratropinm bromide (Atrovent).
Steroid dạng viên và nước: Methyprednisolone (Medrol), Prednisolone.
Tóm lại để quản lý và điều trị HPQ được tốt cần:
- Phối hợp chặt chẽ với người bệnh và gia đình.
- Theo dõi, đánh giá và sử dụng các biện pháp thăm dò chức năng hô hấp, đặc biệt là lưu lượng đỉnh.
- Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố khởi phát cơn hen.
- Điều trị đúng phác đồ, sử dụng đúng và đủ liều thuốc.
- Theo dõi và xử trí kịp thời những cơn hen kịch phát, khống chế cơn hen.
- Chăm sóc toàn diện, đặc biệt là cho bệnh nhi < 5 tuổi.
Nguồn: Y học hàng ngày