Hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở (Obstructive Sleep Apnea Syndrome: OSAS) mới được biết đến trong vòng bốn thập kỷ qua. Triệu chứng đặc trưng nhất của OSAS là ngủ ngáy. OSAS không những ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ của những người khác ngủ cùng giường.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy một số trường hợp tử vong đột ngột vào ban đêm trong lúc ngủ có liên quan với OSAS. Trước đây, OSAS thường ít được quan tâm. Nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học và xã hội, hội chứng này ngày càng được quan tâm hơn và đã đạt được nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên ở Việt Nam, OSAS vẫn chưa được các bệnh nhân và cả thầy thuốc ghi nhận hoặc hiểu biết đầy đủ.
OSAS là gì ?
OSAS là một sự suy yếu của giấc ngủ và rối loạn hô hấp được định nghĩa như sự ngừng thở 10 giây, ít nhất 5 lần trong 1 giờ ngủ.
Nguyên nhân nào gây ra OSAS ?
Ngày nay, các yếu tố bất thường về giải phẫu ở đường hô hấp trên được xem như là nguyên nhân chính gây OSAS.
Ngoài ra có vài tình trạng bệnh lý khác cũng liên quan với OSAS. Trong quá trình ngủ, các cơ của cơ thể được giãn ra và có thể làm cho các mô thừa lấn vào đường hô hấp trên (nền của miệng, mũi và họng) vốn dĩ đã hẹp càng hẹp thêm, làm tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường thở khi ngủ. Hậu quả gây ra tiếng ngáy khi ngủ và làm giảm độ bão hòa oxy máu, sau đó là gây ngừng thở.
Khi sự hô hấp bị gián đoạn bởi sự tắc nghẽn của đường thở, cơ thể phản ứng lại bằng cách tự đánh thức đủ để bắt đầu cho việc thở trở lại. Sự đánh thức này có thể xảy ra hàng trăm lần mỗi đêm nhưng không đủ để làm thức tỉnh bệnh nhân ở mức độ ngủ nông (giai đoạn I, II). Do đó họ vẫn không nhận biết tiếng ngáy của chính mình.
Sự ngạt thở (choking) và sự thở hổn hển (gasping) có liên quan một cách đặc biệt với OSAS. Những người bị OSAS thường không có một giấc ngủ ngon, do sự ngưng thở lặp đi lặp lại và sự tự đánh thức làm bệnh nhân mất giai đoạn ngủ sâu (giai đoạn III, IV) và giai đoạn REM (rapid eye movement), dẫn đến sự mệt mỏi cả ngày mạn tính và stress tim mạch lâu dài.
Các yếu tố bất thường về giải phẫu ở đường hô hấp trên và những tình trạng liên quan với OSAS:
- Ngạt mũi.
- Khẩu cái mềm và lưỡi gà quá lớn.
- Quá phát amiđan.
- Lưỡi lớn và đầy.
- Họng miệng và hạ họng hẹp do niêm mạc và mô dưới niêm mạc quá dày.
- Hàm nhỏ (micrognathia).
- Hàm đưa ra sau (retrognathia).
- Xương móng thấp hơn bình thường.
- Béo phì.
- Hội chứng Down.
- Suy giáp.
- Bệnh to cực (acromegaly).
- U, phẫu thuật ung thư và tia xạ ở mũi họng gây phù nề hoặc xơ sẹo.
OSAS gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
OSAS có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe. Việc ngủ ngày (daytime sleep) quá nhiều, kém hoạt động, sự gián đoạn của giấc ngủ bình thường sẽ dẫn tới sự gia tãng đáng kể trong tai nạn giao thông (gấp 7 lần người bình thường). Qua thời gian dài, OSAS liên quan với nguy cơ cao của cao huyết áp và bệnh tim mạch.
Thêm vào đó, tiếng ngáy và sự gián đoạn thở có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của những người ngủ cùng giường với bệnh nhân. Sự chứng kiến một cơn ngưng thở có thể là nỗi ám ảnh đáng sợ bởi bệnh nhân OSAS thường có biểu hiện ngạt thở (suffocating). Do đó những người ngủ cùng giường nên thuyết phục bệnh nhân đi khám bệnh.
Những ai dễ bị OSAS?
Kết quả từ một nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 1/3 nam và gần 1/5 nữ có ngủ ngáy thường xuyên bị OSAS ở những mức độ khác nhau, trong đó gần 1/3 trường hợp có biểu hiện OSAS trầm trọng. Những người béo phì bị ảnh hưởng nhiều hơn (với khoảng 1/3 bị OSAS trầm trọng). đàn ông thường bị ảnh hưởng nhiều hơn phụ nữ, có lẽ do bị béo phì nhiều hơn phụ nữ.
Chẩn đoán OSAS như thế nào?
- Khai thác bệnh sử :
Với những người nghi ngờ bị OSAS, cần tập trung vào mức độ của tình trạng thiếu ngủ, kém hoạt động và những dấu chứng, triệu chứng nghi ngờ có liên quan đến rối loạn này. Ngủ ngáy và sự ngưng thở thấy được khi bệnh nhân ngủ là tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá. Xác định ngủ ngáy liên tục, ngắt quãng hoặc chỉ ở một số tư thế là quan trọng.
Hỏi người ngủ chung giường với bệnh nhân cũng là yếu tố giúp cho việc chẩn đoán.
Những trường hợp nhẹ hơn, biểu hiện tắc nghẽn đường thở xảy ra hầu như trong khi nằm ngửa, trong khi đó nằm nghiêng hoặc sấp thì không.
Những dấu hiệu khác bao gồm: tiền sử tăng cân, sử dụng thuốc, rượu hoặc các chất giảm đau khác và một tiền sử về rối loạn giấc ngủ. Những vấn đề về tim mạch, cao huyết áp, bệnh thần kinh cũng nên được xem xét chi tiết. đồng thời cũng cần đánh giá mức độ ngủ ngày, buồn ngủ trong khi làm việc, lái xe hay xảy ra tai nạn, thay đổi nhân cách, kém tập trung, rối loạn chức nãng tình dục. Xem xét thời gian của giấc ngủ, khởi phát ngủ và chất lượng ngủ là manh mối quan trọng.
- Khám lâm sàng :
Mục tiêu chính của khám lâm sàng là xem xét toàn bộ những yếu tố nghi ngờ về giải phẫu gây tắc nghẽn đường thở và ghi nhận những tổn thưõng tại chỗ để sửa chữa. Cấu trúc sọ mặt của bệnh nhân OSAS là thông tin rất quan trọng. Ngạt mũi thường gặp do quá phát cuốn mũi cũng thường gặp ở những bệnh nhân OSAS. Thở miệng khi ngủ rất hay gặp. Tuy nhiên, không thể kết luận thở miệng là hoàn toàn do ngạt mũi.
Khám họng, hạ họng thường được các bác sĩ tai mũi họng quan tâm nhằm tìm kiếm những nếp niêm mạc thừa dày lên ở hạ họng, lưỡi gà và khẩu cái mềm. độ sâu và rộng của hạ họng, sự quá phát của amidal cũng được xem xét.
Hàm tụt ra sau, hàm nhỏ, lưỡi lớn có thể gặp.
Nội soi ống soi mềm có ích trong việc đánh giá đường thở của bệnh nhân OSAS.
Bệnh nhân cũng cần làm thêm một số xét nghiệm như: EEG, EMG, ECG, EOG, oxymetry, SaO2 < 85% cần đặc biệt chú ư, SaO2 < 60% biểu hiện OSAS nặng, X-quang sọ mặt...
Vấn đề điều trị OSAS hiện nay
- Điều trị nội khoa
Bệnh nhân cần tránh sử dụng rượu, các thuốc giảm đau, thuốc ngủ, thuốc an thần, một số thuốc kháng histamine và các thuốc chống động kinh đặc biệt vào ban đêm. Ngay cả một số thuốc điều trị cao huyết áp ức chế beta hoạt động ngắn cũng có thể làm OSAS nặng thêm. Thuốc thường được sử dụng để điều trị OSAS là Protriptyline, tuy nhiên hiệu quả còn chưa cao. Nếu OSAS do nguyên nhân về giải phẫu, các thuốc hoàn toàn không có hiệu quả.
Sự lên cân là yếu tố liên quan đến sự gia tăng nguy cơ và độ trầm trọng của OSAS, có thể do sự lắng đọng mô mỡ trong đường hô hấp trên. Do đó nỗ lực giảm cân được xem như là một phương pháp điều trị hỗ trợ.
Thở oxy hỗ trợ có thể hữu ích trong thời gian ngắn nếu các cách khác không có tác dụng.
Một phương pháp điều trị không phẫu thuật quan trọng nhất là sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (continuous positive airway pressure: CPAP). Hàng đêm, trong khi ngủ, bệnh nhân mang một mặt nạ được nối với một máy bơm đẩy không khí vào mũi ở áp lực cao đủ vượt quá sự tắc nghẽn trong đường thở và kích thích cho thở bình thường. CPAP có hiệu quả cao, cải thiện trong 100% trường hợp, ngoại trừ vài trường hợp tắc mũi nặng. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân cảm thấy bất tiện khi đeo mặt nạ, có cảm giác bị nhốt (claustrophobic) hoặc gây khó chịu.
Các phương pháp khác như nẹp răng hàm (orthodontic splints), dụng cụ giữ lưỡi, kèn mũi (nasal trumpets) đã được báo cáo là thành công nhưng vẫn không được chấp nhận rộng rãi.
- Điều trị phẫu thuật trong OSAS
Mở khí quản được ghi nhận như là tiêu chuẩn vàng trong điều trị OSAS nặng và vẫn còn hiệu quả cao. Tuy nhiên tiêu chuẩn mới có lẽ là CPAP. Mở khí quản hữu ích đối với những bệnh nhân không chịu được hoặc không hiệu quả với CPAP.
Từ năm 1981, phẫu thuật tạo hình lưỡi gà - khẩu cái - họng (uvulopalatopharyngeoplasty: UPPP) đã được giới thiệu để điều trị OSAS, đây là phẫu thuật cắt lưỡi gà, một phần khẩu cái mềm, amidal và có thể các mô thừa khác trong họng. UPPP giúp cải thiện đáng kể với OSAS nặng (khoảng 50%).
Những bệnh nhân bị OSAS nặng được cải thiện triệu chứng nhưng có thể vẫn tiếp tục có sự ngưng thở và mất bão hòa oxy đáng kể. Nhiều nghiên cứu đã không cho thấy có bất kỳ sự cải thiện nào đối với tỷ lệ tử vong với UPPP, như xảy ra ở những bệnh nhân được mở khí quản hoặc CPAP.
Phẫu thuật treo xương móng nhằm làm rộng đường thở ở nền lưỡi được giới thiệu là khá thành công, đặc biệt nếu phẫu thuật kết hợp với UPPP và phẫu thuật ở mũi. Phẫu thuật xương hàm trên và dưới bằng sliding ostiotomies cũng giải quyết được những bất thường về giải phẫu gây ra OSAS.
Tắc nghẽn mũi một phần hoặc hoàn toàn có thể làm tăng thêm OSAS nhưng hiếm khi là nguyên nhân duy nhất. Giải quyết ngạt mũi đơn thuần thường không hiệu quả trong OSAS mà thường có tác dụng hơn trong ngừng thở nhẹ, ngủ ngáy mạn tính hoặc khi sử dụng kết hợp với các loại phẫu thuật đường thở khác.
(Theo Thạc sĩ. BS. Trịnh Minh Chánh)