Dấu hiệu suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ mới sinh, nhất là trẻ sinh non. Suy hô hấp có thể là biểu hiện của các bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch, não; nhưng cũng có thể chỉ đơn thuần là hệ quả của tình trạng hạ thân nhiệt, hạ đường huyết.


Sau khi lọt lòng mẹ, các cơ quan nội tạng của trẻ bắt đầu hoạt động và phối hợp nhịp nhàng để duy trì chức năng hô hấp. Nếu khả năng thích ứng đó bị rối loạn, tình trạng suy hô hấp sẽ xảy ra.

Các nguyên nhân gây bệnh bao gồm:

- Tổn thương hệ thần kinh trung ương: Trẻ bị viêm não, viêm màng não, sang chấn sọ não, xuất huyết não...

- Bệnh lý về tim mạch: Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt là tam chứng, tứ chứng fallot.

- Bệnh của hệ hô hấp: Hội chứng màng trong, xẹp phổi, chảy máu phổi, viêm phế quản, viêm phổi, tắc lỗ mũi sau, có chướng ngại vật ở đường hô hấp (đờm dãi, sữa).

- Trẻ bị hạ đường huyết do đói hoặc hạ thân nhiệt do lạnh.

Để đề phòng chứng suy hô hấp cho trẻ, bà mẹ khi mang thai cần đi khám thường xuyên, đồng thời chăm sóc tốt thai nghén theo sự chỉ dẫn của bác sĩ nhằm giảm các nguy cơ thai bất thường, sinh non. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh gây suy thở như bệnh màng trong, xẹp phổi...

Cần lưu ý không để những trẻ mới chào đời bị lạnh (nhiệt độ ngoại cảnh thích hợp là 27-28 độ C). Cho bé ăn đầy đủ để không bị hạ đường huyết.

Hãy nghĩ đến chứng suy hô hấp nếu thấy trẻ có một trong những dấu hiệu sau:

- Rối loạn nhịp thở: Trẻ thở nông, nhanh, không đều, nhịp thở trên 60 lần/phút.

- Da tím hoặc tái, xảy ra ở toàn thân hoặc quanh môi và tứ chi.

- Khó thở, co kéo lồng ngực và các cơ liên sườn, lõm xương ức. Di động của ngực và bụng không nhịp nhàng theo nhịp thở. Cánh mũi phập phồng, có tiếng rên thì thở ra.

Lúc này, cơ thể trẻ đang thiếu dưỡng khí. Nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách, bệnh nhi rất dễ tử vong. Trong lúc chuẩn bị đưa trẻ đến bệnh viện, gia đình cần thực hiện ngay một số việc sau:

- Làm thông đường thở, nhất là đối với trẻ suy thở do sặc sữa hoặc sặc đờm dãi.

- Dùng ngón tay quấn khăn sô hoặc gạc lau sạch miệng và họng cho trẻ.

- Nhanh chóng hút mũi cho trẻ. Phải làm nhanh và nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương niêm mạc miệng của trẻ.

- Nới rộng tã, áo để trẻ dễ thở.

- Ủ ấm cho trẻ bằng chăn, túi nước ấm.

- Bế bé ở tư thế đầu cao, hơi ngửa cổ để bé dễ thở. Trên đường vận chuyển, nếu trẻ không thở thì phải búng nhẹ ở gót chân hoặc xoa nhẹ vùng ngực để kích thích trẻ thở.
Xem chi tiết…

Trẻ sơ sinh suy hô hấp dễ qua đời

Ngay sau khi chào đời hoặc chỉ vài giờ sau sinh, trẻ đã thở nhanh (nhịp trên 60 lần/phút), thở rên, rút lõm ngực, tím tái vì thiếu oxy rồi đuối sức, thở chậm lại rồi ngưng thở. Có thể tiên lượng được sự cố nguy hiểm này khi trẻ bị sinh non, sinh ngạt, khi mẹ có bệnh hoặc cố tình sinh mổ.

Hội chứng suy hô hấp (Respiratory Distress Syndrome) là bệnh lý gây ra do thiếu chất surfactant. Trước đây người ta gọi bệnh này là "bệnh màng trong" do quan sát thấy màng eosinophile lót trong khoảng phế nang của những trẻ tử vong vì bệnh suy hô hấp.


Thành phế nang bao gồm hai loại tế bào: Tế bào phế nang loại 1 giữ vai trò trao đổi khí giữa máu mao mạch và khí phế nang. Tế bào phế nang loại 2 là nơi tổng hợp và dự trữ surfactant. Các tế bào này bắt đầu biệt hóa từ biểu mô trụ từ tuần lễ thứ 24 của thai và chủ yếu vào khoảng tuần lễ thứ 34.
Trong số 3 trẻ sinh non, khi thai chưa được 34 tuần, sẽ có 1 cháu gặp sự cố này. Ðối với nhóm trẻ sinh non thai trước 28 tuần, tỷ lệ suy hô hấp lên đến hơn 80%.

Các yếu tố nguy cơ

- Sinh non: Sinh non là yếu tố quan trọng nhất liên quan đến suy hô hấp. Tế bào phế nang loại 2 có số lượng ít cho đến tuần lễ thứ 34. Do đó, suy hô hấp ít gặp ở trẻ sinh sau 34 tuần.

Trẻ sinh non (nhất là trẻ sinh cực non), do thiếu surfactant và cấu trúc phổi chưa đầy đủ (các phế nang chỉ bắt đầu hình thành từ tuần lễ thứ 30); sự trao đổi khí có thể không hiệu quả vì nó xảy ra chủ yếu qua các tiểu phế quản trong khi các cơ hô hấp chưa phát triển đầy đủ và lồng ngực mềm làm phổi dễ bị xẹp.

- Yếu tố di truyền: Khi một bà mẹ sinh con non tháng bị suy hô hấp, cơ hội lần sinh sau cũng non và bị suy hô hấp lên đến 90%. Suy hô hấp chiếm tỷ lệ cao ở trẻ da trắng hơn trẻ da đen. Trẻ nam thường gặp và bị suy hô hấp nặng hơn trẻ nữ.

- Mẹ bị tiểu đường: Ðường huyết của mẹ cao dẫn đến nồng độ Insulin của thai cao. Insulin làm chậm trưởng thành tế bào phế nang loại 2, dẫn đến tần suất sinh trẻ suy hô hấp ở bà mẹ tiểu đường cao gấp 6 lần bà mẹ không tiểu đường.

- Tổn thương chu sinh: Ngạt và xuất huyết trước sinh làm tăng nguy cơ suy hô hấp. Thiếu oxy máu và toan máu ức chế tổng hợp surfactant. Thiếu oxy máu và tụt huyết áp phá hủy tế bào phế nang loại 1 và mao mạch phổi. Tổn thương hàng rào phế nang - mao mạch dẫn đến phù phổi, từ đó làm suy giảm chức năng surfactant. Hạ thân nhiệt gây thiếu oxy máu và toan máu, do đó cũng ức chế chức năng surfactant.

- Sinh mổ: Sinh mổ khi bà mẹ chưa chuyển dạ kèm tỷ lệ suy hô hấp ở trẻ sơ sinh cao. Chuyển dạ phóng thích các nội tiết tố nhóm catecholamin và steroid giúp kích thích sản xuất và phóng thích surfactant và gây tăng tái hấp thu dịch phổi qua hệ bạch huyết phổi. Do đó trẻ sinh mổ lúc bà mẹ chưa chuyển dạ sẽ thiếu surfactant và có lượng dịch trong phổi cao.

Giữa tháng 1/1986 đến 3/1991, tại BV Northwestern Memorial (Illinois, Mỹ) có 1.207 trường hợp sinh mổ vì mẹ có vết mổ cũ và mổ khi chưa chuyển dạ, trong đó có 5 trường hợp suy hô hấp. Tỷ lệ suy hô hấp sau sinh mổ khi chưa chuyển dạ là 0,41%. Các trường hợp này phải điều trị tại khoa Hồi sức sơ sinh với thở máy.

Trong vài năm gần đây, ở Việt Nam có tình trạng một số sản phụ mê tín dị đoan, đi xem bói để chọn ngày tốt sinh con và xin mổ chủ động bắt con mặc dù mẹ chưa chuyển dạ. Hậu quả, đã có những trường hợp sau sinh, trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng, phải nhập khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1, có cháu đã tử vong.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị trẻ sơ sinh suy hô hấp là điều trị surfactant thay thế, cung cấp oxy qua thở áp lực dương liên tục hoặc thở máy. Bên cạnh đó là các phương pháp điều trị hỗ trợ như bảo vệ thân nhiệt, dinh dưỡng, hỗ trợ tuần hoàn và điều trị nhiễm trùng.
Xem chi tiết…

Điều trị suy hô hấp ở trẻ

Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của trẻ, nhiệt độ lồng ấp, nhiệt độ của không khí thở vào. Mục tiêu là giữ được tình trạng bình nhiệt. Hạ thân nhiệt thường xảy ra nếu không chú ý theo dõi sát.



Hạn chế tác động vào trẻ

Cần tìm cách hạn chế tối đa các động tác chăm sóc tác động lên bệnh nhân. Biện pháp thích hợp nhất là có kế hoạch tập trung các động tác cùng lúc lên bệnh nhân nhằm mục đích tránh cho bệnh nhân không bị tác động quá nhiều lần trong thời gian kéo dài. Bất kỳ những kích thích nào làm trẻ khóc điều có thể làm tăng shunt từ phải sang trái và làm suy hô hấp thêm. Hạn chế tác động vào trẻ là một điều cần thiết nhưng trên thực tế trẻ vẫn phải chịu nhiều tác động bắt buộc.

Theo dõi sát tiến triển

Nghe phổi định kỳ, đo huyết áp mỗi một giờ trong những giờ đầu tiên. Đảm bảo huyết áp tâm thu trên 45 mmHg. Nếu hạ huyết áp thì cần được điều trị bằng truyền albumin người hoặc truyền máu, truyền huyết tương.

Kiểm soát nhiệt độ

Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của trẻ, nhiệt độ lồng ấp, nhiệt độ của không khí thở vào. Mục tiêu là giữ được tình trạng bình nhiệt. Hạ thân nhiệt thường xảy ra nếu không chú ý theo dõi sát.

Theo dõi khí máu

Theo dõi qua monitor, qua máy đo ô bão hòa ô xy qua mạch nảy (pulse oxymeter). Khí máu mao mạch có thể thực hiện mỗi nửa giờ trong những giờ đầu. Sau đó tăng khoảng cách. Đánh giá khí máu luôn phải liên hệ với lâm sàng và các thông số của máy thở. Điều chỉnh các thông số máy thở phải dựa vào kết quả khí máu.

Cung cấp ô xy

Thường cung cấp qua hệ thống CPAP hoặc qua máy thở. Cần nhanh chóng và cẩn thận giảm nồng độ ô xy đưa vào khi áp lực riêng phần ô xy trong máu động mạch > 70 mmHg. Nồng độ ô xy trong khí thở vào cao và kéo dài có thể gây nên những tổn thương ô xy hóa cho phổi, gây xuất huyết võng mạc mắt...Tuy nhiên nếu hại đột ngột, trẻ có thể bị tím lại đột ngột do co mạch phổi cũng như shunt phải-trái.

Thở CPAP qua đường mũi

Ngay sau khi trẻ cần thở ô xy với nồng độ trên 0,4 (tỷ lệ thể tích) thì cần chio thở CPAP ngay. CPAP (Continous Positive Airway Pressure) là một phương pháp đưa vào đường thở một áp lực dương liên tục, ngay cả trong khi trẻ thở ra. Mục đích là duy trì độ mở của các phế nang có khuynh hướng xẹp và mở các phế nang bị xẹp. Tác dụng sinh lý là làm tăng dung tích cặn chức năng. CPAP có thể đưa qua ống nội khí quản, qua ống sonde mũi, qua dụng cụ hai ngạnh (kính mũi), hoặc cho qua mặt nạ.
Tuy nhiên phương pháp hiện nay thường dùng nhất là qua kính mũi. Hệ thống CPAP có thể có cấu tạo đơn giản với bẫy nước hoặc có cấu tạo phức tạp như hệ thống Infant-Flow. CPAP có tác dụng ngăn ngừa xẹp phổi tiếp tục, tái huy động phế nang bị xẹp, tăng dung tích cặn chức năng, giảm công thở, là bước chuẩn bị cho điều trị surfactant thay thế, rút ngắn thời gian bị bệnh, giảm biến chứng.

Thông khí nhân tạo

Chỉ định khi phân suất ô xy trong khí thở vào phải trên 0,6 hoặc khí áp lực riêng phần carbonic trong máu động mạch > 50 - 60 mmHg. Hoặc khi thất bại với CPAP. Đây là một kỹ thuật hồi sức phức tạp cần phải có bác sĩ chuyên khoa hồi sức sơ sinh thực hiện. Các phương thức thông khí thường được sử dụng trong điều trị bệnh màng trong là:

- Thông khí bắt buộc ngắt quãng đồng bộ hóa (SIMV: Synchronous intermittent mandatory ventilation).
- Thông khí kiểm soát-hỗ trợ (ACV: Assist-control ventilation).
- Thông khí hỗ trợ áp lực (PSV: pressure-support ventilation).
- Thông khí tần số cao (HFV: High-frequency ventilation)
- Dao động tần số cao (HFO: High-frequency Oscilation)

Dùng kháng sinh

Kháng sinh dùng khi nghi ngờ nhiễm trùng hoặc khi không loại được khả năng nhiễm trùng. Kháng sinh thường dùng là ampicillin kết hợp gentamycin.

Cung cấp protein thay thế

Cung cấp protein 0,5-1 g/kc/24 giờ chia làm 4 lần. Chế phẩm dùng là albumin người vì tình trạng thoát quản hình thành màng trong có thể gây mất protein trong máu.

Cân bằng nước-điện giải

Lượng dịch trong ngày đầu tiên thường là 70ml/kg thể trọng. Tuy nhiên lượng dịch và điện giải cần điều chỉnh tùy theo tình trạng lâm sàng cũng như xét nghiệm. Thừa dịch sẽ gây mở ống động mạch. Thiếu dịch gây hạ huyết áp, suy thận, nhiễm toan chuyển hóa, tăng natri máu...

Điều chỉnh toan

Điều chỉnh thăng bằng toan bằng dung dịch natri bicarbonate 8,4% là một biẹn pháp cần cân nhắc cẩn thận vì có thể làm tăng natri máu, xuất huyết não, đôi khi làm trầm trọng thêm tình trạng suy hô hấp. Tình trạng nhiễm toan được điều chỉnh tốt nhất thông qua việc duy trì thân nhiệt, thống khí thích hợp, cung cấp đủ ô xy, chống sốc hiệu quả.

Điều trị còn ống động mạch

Thường là hậu quả của suy hô hấp đặc biệt ở trẻ có cân nặng lúc sinh thấp hơn 1500 gram. cần nghĩ đến bệnh này khi tình trạng hô hấp của trẻ vẫn xấu sau 3 ngày, trẻ khó cai máy thở sau 5 ngày, hoặc khi suy hô hấp đã tiến triển tốt rồi lại diễn biến xấu đi, nghe tim có tiếng thổi, siêu âm doppler mạch máu não có luồng trào ngược trong kỳ tâm trương. Chẩn đoán xác định bằng siêu âm tim. Điều trị bằng dùng thuốc indomethacin hoặc ibuprofen để đóng ống động mạch.

Theo dõi các chỉ số xét nghiệm khác

- Kiểm tra đường máu 3 lần/ngày.
- Hematocrit 1 lần/ngày.
- Điện giải đồ 1 lần/ngày nếu không có bất thường.
- Nồng độ Protein máu 1 lần/ngày.
- Công thức máu 1 lần/ngày.
- Nước tiểu 1 lần/ngày (pH, điện giải đồ, áp lực thẩm thấu, tỉ trọng)

Điều trị nguyên nhân: Liệu pháp thay thế Surfactant

Trong thập kỷ vừa qua, tử vong vong ở trẻ sơ sinh mắc bệnh màng trong đã giảm đi 50% nhờ liệu pháp thay thế surfactant. Ngoài ra liệu pháp thay thế surfactant còn có thể làm giảm tỷ lệ mắc hội chứng loạn sản phổi - phế quản (bronchopulmonary dysplasia) và giảm biến chứng tràn khí màng phổi ở trẻ sơ sinh bị bệnh màng trong.

Các chế phẩm surfactant dùng trong điều trị có thể có nguồn gốc tự nhiên từ phổi bò (Survanta, Alveofact), từ phổi lợn (Curosurf) hoặc được tổng hợp (Exosurf, Surfaxan, ALEC). Hiện nay đang có những thử nghiệm lâm sàng đối với chế phẩm surfactant chiết xuất từ nước ối người. Các chế phẩm này khác nhau về thành phần phospholipid và các apoprotein.

Chỉ định

- Điều trị bệnh màng trong khi có chẩn đoán xác định.
- Dự phòng bệnh màng trong ở những trẻ sơ sinh cực non: chỉ định này còn đang là vấn đề bàn cãi vì không phải tất cả các trẻ sơ sinh đẻ non đều bị bệnh màng trong. Nên nhớ surfactant có giá rất đắt đỏ: giá một liều trình điều trị thường vào khoảng 800 đến 1500 USD và một trẻ có thể cần 1, trung bình là 2, thậm chí có trẻ cần 4 liệu trình như vậy.

Liều lượng

- Liều surfactant có nguồn gốc tự nhiên thường vào khoảng 50 - 200 mg/Kg cân nặng. Trên lâm sàng thường dùng liều 100 mg/kg tương đương 4ml/kg.

- Surfactant được đưa vào phổi qua đường nội khí quản. Trẻ bắt buộc phải được đặt nội khí quản, thở máy. Dùng một ống sond đưa vào trong lòng nội khí quản để bơm surfactant vào trong phổi bệnh nhi.

Tác dụng không mong muốn của surfactant
- Tắc ống nội khí quản.
- Hạ huyết áp thoáng qua.
- Ức chế hoạt động tế bào não thể hiện trên điện não đồ thoáng qua.
- Thay đổi tốc độ dòng máu trong tuần hoàn não.
- Đôi khi gây xuất huyết phổi cấp tính.
Xem chi tiết…

Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Căn bệnh này là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ sinh non. Các thống kê cho thấy, cứ 3 trẻ sinh trước 34 tuần, có 1 trẻ bị suy hô hấp. Tỷ lệ này ở nhóm sinh trước 28 tuần thai là hơn 80%. 


Nguyên nhân chính gây suy hô hấp sơ sinh là tình trạng xẹp phổi do thiếu chất surfactant..

Trong các tế bào phế nang, một loại có vai trò trao đổi khí, loại 2 chuyên tổng hợp và dự trữ surfactant. Hai loại tế bào này chỉ bắt đầu biệt hóa từ tuần thai thứ 24, chủ yếu vào khoảng tuần thứ 34. Do đó, những trẻ sinh non trước 34 tuần tuổi có nhiều nguy cơ bị xẹp phổi dẫn đến suy hô hấp do không có đủ chất surfactan.

Ngoài việc thiếu surfactant, một nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh dễ bị suy hô hấp là cấu trúc phổi chưa hình thành đầy đủ (các phế nang chỉ bắt đầu hình thành từ tuần lễ thứ 30). Hậu quả là sự trao đổi khí có hiệu quả thấp vì nó xảy ra chủ yếu ở các tiểu phế quản. Ở trẻ sinh non, các cơ hô hấp cũng chưa phát triển đầy đủ, lồng ngực mềm nên phổi dễ bị xẹp.

Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh khác

- Di truyền: Ở một bà mẹ từng sinh con non tháng bị suy hô hấp, nguy cơ này ở lần sinh sau lên đến 90%. Căn bệnh suy hô hấp sơ sinh chiếm tỷ lệ cao ở người da trắng; trẻ nam dễ bị và bị nặng hơn trẻ nữ (vì androgen ức chế việc sản xuất surfactant).

- Mẹ bị tiểu đường: Mức đường huyết cao của mẹ khiến hàm lượng insulin của thai cao hơn bình thường. Insulin kìm hãm sự trưởng thành tế bào phế nang sản xuất surfactan, khiến tỷ lệ sinh con suy hô hấp của các bà mẹ tiểu đường cao gấp 6 lần những phụ nữ khác.

- Tổn thương chu sinh: Ngạt và xuất huyết trước sinh làm tăng nguy cơ suy hô hấp. Tình trạng thiếu ôxy máu và axit máu, tụt huyết áp sẽ ức chế sự tổng hợp surfactant, phá hủy tế bào phế nang chuyên làm nhiệm vụ trao đổi khí và mao mạch phổi, dẫn đến phù phổi, suy giảm chức năng surfactant. Ngoài ra, trẻ bị hạ thân nhiệt khi sinh cũng gây thiếu ôxy máu và axit máu, ức chế chức năng surfactant.

- Sinh mổ: Quá trình chuyển dạ phóng thích các hoóc môn nhóm catecholamin và steroid, kích thích sản xuất và phóng thích surfactant, dẫn đến tăng tái hấp thu dịch phổi qua hệ bạch huyết phổi. Nếu được sinh mổ lúc bà mẹ chưa chuyển dạ, trẻ dễ bị thiếu surfactant và có lượng dịch trong phổi cao.

Triệu chứng

Trẻ suy hô hấp có biểu hiện triệu chứng lúc sinh hoặc vài giờ sau sinh: thở nhanh (trên 60 lần/phút), thở rên, rút lõm ngực, tím tái (do thiếu ôxy máu), phập phồng cánh mũi cũng là dấu hiệu suy hô hấp. Trẻ dần dần đuối sức, dẫn đến nhịp thở chậm lại và ngưng thở.

Nguyên tắc điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là dùng surfactant thay thế, hỗ trợ thở ôxy. Ngoài ra, cần áp dụng các phương pháp hỗ trợ như bảo vệ thân nhiệt, dinh dưỡng, hỗ trợ tuần hoàn và điều trị nhiễm trùng.
Xem chi tiết…

Điều trị người mắc bệnh hen phế quản

Do hen là một bệnh mạn tính nên quá trình điều trị đòi hỏi phải kéo dài rất lâu. Một số người cần phải điều trị cho đến suốt đời.

Cách tốt nhất để cải thiện tình trạng của bạn và sống theo cách của bạn là tìm hiểu tất cả những gì có thể về bệnh hen của mình và những gì bạn có thể làm để cho nó tốt hơn.



- Trở thành một cộng sự đối với bác sĩ của bạn. Dùng những tài liệu mà bác sĩ cung cấp cho bạn - thông tin, giáo dục và ý kiến chuyên môn - để có thể tự giúp mình.
- Nhận thức rõ về những tác nhân dị ứng và làm tất cả những gì có thể để tránh chúng.
- Tuân thủ đúng những biện pháp điều trị mà bác sĩ khuyên. Hiểu những biện pháp điều trị của mình. Biết được công dụng và cách dùng của từng loại thuốc.
- Đến tái khám định kỳ theo đúng lịch.
- Thông báo cho bác sĩ biết những thay đổi hoặc nếu các triệu chứng trở nến xấu đi một cách nhanh chóng.
- Thông báo cho bác sĩ về những tác dụng phụ của thuốc mà bạn gặp phải.
Dưới đây là những mục tiêu của việc điều trị
- Phòng ngừa những triệu chứng đang tiến triển và gây khó chịu.
- Phòng ngừa xảy ra cơn hen.
- Phòng ngừa cơn hen nặng cần phải đến khám bệnh hay đến phòng cấp cứu hoặc phải nhập viện.
- Tiếp tục duy trì những sinh hoạt hằng ngày.
- Giữ chức năng phổi ở mức bình thường hoặc gần bình thường
- Giới hạn những tác dụng phụ của thuốc xuống ít nhất trong khả năng cho phép.

Điều trị tại nhà

Chế độ điều trị hiện tại được xây dựng sao cho hạn chế đến mức tối thiểu những khó chịu, bất lợi và hạn chế hoạt động thể lực. Nếu bạn tuân thủ điều trị một cách chặt chẽ, có thể bạn sẽ tránh hoặc giảm được số lần đến khám bệnh ở bác sĩ hay số lần phải đến phòng cấp cứu.

- Nhận biết được những tác nhân gây dị ứng của mình và làm mọi cách có thể để tránh được chúng.

- Bỏ hút thuốc.

- Không dùng thuốc ho vì chúng không giúp ích được gì cho bệnh hen cả và còn có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn nữa.

- Aspirin và một số thuốc kháng viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen, có thể làm hen nặng hơn ở một số người. Do đó, những loại thuốc này không nên được dùng mà không có lời khuyên của bác sĩ.

- Không dùng những loại thuốc xịt không cần kê toa. Chúng chứa những hợp chất có tác dụng rất ngắn nên có thể không đủ thời gian để thoát khỏi được cơn hen và có thể gây ra những ác dụng phụ không mong muốn.

- Chỉ dùng những thuốc mà bác sĩ kê toa.

- Không dùng những loại thuốc nam hoặc những thực phẩm bổ sung không được kê toa, ngay cả khi chúng hoàn toàn từ tự nhiên mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước. Một số loại trong đó có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn hoặc gây cản trở tác dụng của thuốc mà bạn đang sử dụng.

- Nếu thuốc không hiệu quả, không dùng thêm thuốc quá mức giới hạn mà bạn được kê toa. Sử dụng quá liều những thuốc điều trị hen có thể gây nguy hiểm.

- Chuẩn bị sẵn sàng cho bước kế tiếp trong bảng hướng dẫn của bác sĩ nếu cần thiết.
Nếu bạn nghĩ thuốc đang dùng không hiệu quả, hãy thông báo cho bác sĩ biết ngay lập tức.

Điều trị tại bệnh viện

Nếu bạn đang ở phòng cấp cứu, có thể bạn sẽ được bắt đầu điều trị ngay trong lúc các bác sĩ đang đánh giá bệnh.

- Bạn có thể sẽ được cho thở oxy qua mặt nạ hoặc qua một ống gắn vào mũi.
- Bạn có thể được cho thuốc đồng vận beta dạng phung qua mặt nạ hoặc qua máy phun khí dung, có thể có hoặc không có kèm theo kháng cholinergic.
- Một phương pháp khác để cho bệnh nhân dùng thuốc đồng vận beta là dùng bình xịt có định liều (MDI: metered dose inhaler). MDI cung cấp một liều cơ bản của thuốc trong mỗi nhát xịt.
- Nếu bạn đã được dùng thuốc steroid, hoặc mới ngừng thuốc steroid gần đây, hoặc cơn hen quá nặng, có thể bạn sẽ phải dùng đến steroid đường tĩnh mạch.
- Nếu bạn đang dùng methylxanthine, chẳng hạn như theophylline hoặc aminophylline, nên kiểm tra nồng độ thuốc có trong máu và nên được cho qua đường tĩnh mạch.
- Những người có đáp ứng kém với thuốc đồng vận beta đường phung có thể sẽ được cho thuốc dùng qua đường tĩnh mạch chẳng hạn như terbutaline hoặc epinephrine.
- Bạn sẽ phải được theo dõi trong vòng ít nhất 7 giờ khi các xét nghiệm đã hoàn tất và có kết quả. Bạn sẽ được theo dõi các dấu hiệu tiến triển hoặc nặng hơn của bệnh.
- Nếu đáp ứng tốt với điều trị, có thể bạn sẽ được xuất viện. Nên cảnh giác đề phòng các triệu chứng có thể quay lại trong vòng 7 giờ kế tiếp. Nếu các triệu chứng quay lại hoặc trở nặng hơn, hãy quay lại phòng cấp cứu ngay lập tức.
- Đáp ứng của bạn với điều trị sẽ được theo dõi qua lưu lượng đỉnh.

Trong một số trường hợp, bạn có thể sẽ bị giữ lại bệnh viện để được theo dõi cẩn thận và điều trị để tình trạng không trở nên nặng hơn. Những tình huống cần phải nhập viện bao gồm:

- Cơn hen rất nặng hoặc không đáp ứng tốt với điều trị.
- Chức năng phổi kém trên phế dung ký.
- Tăng nồng độ CO2 và giảm nồng độ Oxy trong máu.
- Có tiền sử phải nhập viện hoặc phải dùng máy giúp thở trong cơn hen
- Những bệnh nặng khác có thể gây nguy hiểm cho sự hồi phục của bạn
- Những bệnh nặng về phổi hoặc tổn thương phổi, như viêm phổi hoặc tràn khí màng phổi (xẹp phổi).

Nếu bạn được chẩn đoán là hen lần đầu tiên, có thể bạn sẽ được bắt đầu chế độ điều trị và theo dõi. Bạn sẽ được cho 2 loại thuốc:

- Thuốc dùng để kiểm soát: dùng để kiểm soát trong thời gian dài bệnh hen kéo dài, giúp làm giảm tình trạng viêm ở phổi, là nguyên nhân đứng sau gây ra những cơn hen. Bạn phải dùng những loại thuốc này hằng ngày cho dù là có triệu chứng hay không.

- Thuốc dùng để cắt cơn: dùng để kiểm soát trong thời gian ngắn các cơn hen. Chỉ được dùng khi đang có triệu chứng hoặc có vẻ nhưng sắp lên cơn hen, chẳng hạn như khi bạn đang bị nhiễm trùng đường hô hấp.

Kế hoạch điều trị cũng bao gồm những phần sau:

- Nhận biết được những tác nhân gây dị ứng và tránh xa chúng hết mức có thể.
- Tái khám thường xuyên.
- Sử dụng lưu lượng đỉnh

Ở những lần tái khám, bác sĩ sẽ xem xét lại tình trạng của bạn

- Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tần số và độ nặng của cơn hen, sử dụng thuốc điều trị, và giá trị lưu lượng đỉnh.
- Cũng có thể bạn sẽ được kiểm tra chức năng phổi để xem mức độ đáp ứng của phổi đối với điều trị.
- Đây cũng là thời điểm tốt nhất để thông báo về những tác dụng phụ của thuốc và những vấn đề mà bạn gặp phải đối với việc điều trị.

Bạn và bác sĩ phải cùng nhau xây dựng kế hoạch để đối phó với sự xuất hiện của các cơn hen. Bảng kế hoạch sẽ bao gồm những chi tiết sau:

- Cách dùng thuốc kiểm soát
- Cách dùng thuốc điều trị trong trường hợp có cơn hen
- Nên làm gì nếu thuốc điều trị không có tác dụng ngay lập tức.
- Khi nào cần gọi bác sĩ
- Khi nào cần đến trực tiếp phòng cấp cứu.

Các loại thuốc

Những loại thuốc kiểm soát  giúp làm hạn chế quá trình viêm có thể dẫn đến cơn hen cấp.

- Thuốc đồng vận beta tác dụng kéo dài: loại thuốc này có tính chất hóa học tương tự như adrenaline, một loại hormon được sản xuất bởi tuyến thượng thận. Thuốc đồng vận beta tác dụng kéo dài dạng xịt giúp giữ thông đường thở trong vòng 12 giờ hoặc hơn. Nó làm giãn các cơ của đường thở, giãn đường thở và giảm sức đề kháng của luồng khí thở ra, giúp thở dễ hơn. Chúng cũng giúp giảm viêm, nhưng không có tác dụng trên nguyên nhân thật sự của cơn hen. Tác dụng phụ của loại thuốc này là nhịp tim nhanh và run. Một số loại thuốc thuộc loại này là Salmeterol (Serevent) và formoterol (Foradil).

- Corticoid dạng hít là loại thuốc chính trong nhóm này. Chúng có tác dụng cục bộ tập trung trên đường thở, với rất ít phản ứng phụ xảy ra ở ngoài phổi. Một số loại thuốc thuộc loại này là: Beclomethasone (Vancenase, Beclovent) và triamcinolone (Nasacort, Atolone).

- Ức chế leukotrien. Leukotrien là một chất hóa học mạnh giúp tăng phản ứng viêm xuất hiện trong cơn hen cấp. Bằng các ức chế tác dụng của nó, thuốc sẽ làm giảm viêm. Thuốc ức chế leukotrien được xem là phòng tuyến thứ 2 chống lại hen và thường được dùng nếu hen không quá nặng đến mức cần phải cùng corticoids đường uống. Một số loại thuốc ức chế leukotrien bao gồm: Zileuton (Zyflo), zafirlukast (Accolate), và montelukast (Singulair).

- Methylxanthine. Là nhóm thuốc có tính chất hóa học tương tự như như caffein. Methylxanthine là thuốc dãn phế quản tác dụng kéo dài. Đã từng có thời gian methylxanthine được dùng phổ biến để điều trị hen. Ngày nay, vì những tác dụng phụ tương tự như caffein biểu hiện một cách rõ rệt nên chúng ít được dùng hơn. Một số loại methylxanthine bao gồm Theophylline và aminophylline.

- Natri Cromolyn là một loại thuốc khác có thể dùng để phòng ngừa sự phóng thích những chất hóa học gây ra quá trình viêm có liên quan đến hen. Loại thuốc này đặc biệt hữu ích cho những người lên cơn hen do tiếp xúc với một số chất gây dị ứng. Khi được sử dụng thường xuyên trước khi tiếp xúc với các dị ứng nguyên, Natri Cromolyn có thể ngăn ngừa tiến triển thành cơn hen. Tuy nhiên, không dùng loại thuốc này nếu như cơn hen đã khởi phát.

Những loại thuốc dùng để cắt cơn hen. Dùng khi cơn hen đã bắt đầu khởi phát. Không được dùng để thay thế những loại thuốc kiểm soát. Không được ngừng những loại thuốc dùng kiểm soát trong suốt đợt hen cấp.

- Thuốc đồng vận beta tác dụng ngắn là loại thuốc được dùng phổ biến nhất trong nhóm này. Thuốc đồng vận beta tác dụng ngắn dạng xịt cho tác dụng rất nhanh chóng, trong vòng vài phút, giúp khai thông đường thở và tác dụng thường kéo dài trong 4 giờ. Albuterol (Proventil, Ventolin) thường được dùng nhiều nhất.

- Thuốc kháng cholinergic: thuốc kháng cholinergic dạng xịt giúp mở thông đường thở, tương tự với tác dụng của thuốc đồng vận beta. Thuốc kháng cholinergic dạng xịt cho tác dụng hơi chậm hơn đồng vận beta nhưng tác dụng lại kéo dài hơn, thường được dùng chung với đồng vận beta để cho hiệu quả cao hơn là sử dụng một mình. Ipratropium bromide (Atrovent) là một loại thuốc kháng cholinergic hiện đang được sử dụng.

(Theo Yhoc-net.com)
Xem chi tiết…

Các biến chứng của hen phế quản

Hen phế quản (HPQ) là một bệnh hay gặp. Biến chứng của HPQ rất nặng, nhưng người bệnh lại ít khi chú ý đến các biến chứng này.

Về mùa đông - xuân, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi để các biến chứng của bệnh hen xảy ra, cho nên mọi người cần phải biết để phòng tránh.


Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hen là một hiểm họa của loài người, là một trong các bệnh mạn tính hay gặp nhất. Hiện nay trên thế giới có khoảng 300 triệu người hen, dự tính đến năm 2025 con số này tăng lên 400 triệu người.

Đông Nam Á là khu vực có độ lưu hành hen gia tăng nhanh: Malaysia 9,7%, Philippines 11,8%, Thái Lan 9,2%, Singapore 14,3%, Việt Nam khoảng 5%. Tử vong do hen mỗi năm có 200.000 trường hợp, Việt Nam có 3.000 ca.

Hen tiến triển từng đợt cấp, sau mỗi đợt, bệnh diễn biến nặng hơn và nguy hiểm hơn, là bệnh hay gây ra những biến chứng như:

Xẹp phổi: Hơn 1/3 trẻ em nằm trong bệnh viện vì hen bị biến chứng xẹp phổi. Xẹp phổi một thùy hoặc nhiều thùy là biến chứng gặp tỷ lệ khoảng 10% số bệnh nhân vào viện. Khi hen ổn định thì tình trạng xẹp phổi sẽ khỏi.

Nhiễm khuẩn phế quản: Thường là biến chứng ở các bệnh nhân bị hen mạn tính. Nhân các đợt chuyển mùa, các đợt rét, thời tiết thay đổi đột ngột trong ngày, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây viêm nhiễm vùng tai mũi họng, đường hô hấp dưới, gây các đợt cúm làm cho những triệu chứng bệnh hen nặng hơn. Bệnh nhân sốt, khó thở tăng, có đờm nhiều. Xét nghiệm máu, bạch cầu đa nhân trung tính tăng. Xét nghiệm đờm thấy bạch cầu thoái hóa và tạp khuẩn, có khi thấy vi khuẩn lao.

Giãn phế nang đa tiểu thùy: Sự đàn hồi của các phế nang ở bệnh nhân hen giảm dần theo thời gian, thở ra ít, thể tích khí cặn tăng. Còn gọi là bệnh khí phế thũng. Bệnh nhân khó thở khi gắng sức, thậm chí không thổi tắt được que diêm đốt cháy ở cách xa một ít. Ho khạc đờm nhiều, môi và đầu chi tím tái. Gõ phổi nghe tiếng rất vang, rì rào phế nang giảm, có khi mất. Tiếng tim xa xăm. Xquang: phổi quá sáng, cơ hoành hạ thấp, tim hình giọt nước, góc tâm hoành tù, các xương sườn nằm ngang và giãn rộng.

Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất: Gặp ở khoảng 5% hen mạn tính. Do các phế nang giãn rộng, tại vùng phế nang giãn, mạch máu thưa thớt, nuôi dưỡng kém, áp lực trong phế nang tăng. Khi phải làm việc gắng sức hoặc ho mạnh, thành phế nang dễ bị bục vỡ. Thường các dấu hiệu lâm sàng ít khi rầm rộ, nên phải có Xquang phổi mới phát hiện được. Khi có tràn khí phải xử trí cấp cứu kịp thời. Tràn khí màng phổi hai bên là nguyên nhân gây đột tử ở người hen phế quản.

Tâm phế mạn tính: Gặp ở 5% bệnh nhân hen mạn tính và nặng. Thể hiện khó thở khi gắng sức, tím tái liên tục, đau vùng hạ sườn phải, gan có thể to hoặc mấp mé bờ sườn. Điện tâm đồ: Nhịp xoang nhanh, sóng P cao nhọn. Sóng S chiếm ưu thế ở các chuyển đạo trước tim. Hen phế quản có khả năng phục hồi chức năng hô hấp, cho nên thời gian dẫn đến tâm phế mạn của từng bệnh nhân khác nhau, có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn.

Ngừng hô hấp kèm theo có tổn thương não: Do tình trạng suy hô hấp kéo dài, đưa đến thiếu ôxy não. Có lúc ngừng tim, ngừng hô hấp trong các thể hen nặng. Những trường hợp này thường có cơn ngạt thở đột ngột, dẫn đến tăng CO2 trong máu và gây tình trạng toan hỗn hợp, rồi cuối cùng đưa đến hôn mê và tử vong.

Suy hô hấp: Thường chỉ gặp ở những bệnh nhân nằm viện, bị hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính. Bệnh nhân khó thở, tím tái liên tục, đôi khi ngừng thở, phải thở máy hỗ trợ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong của bệnh hen.

Hen là một gánh nặng cho xã hội, theo OMS bệnh hen gây phí tổn cho loài người lớn hơn chi phí cho hai căn bệnh hiểm nghèo của thế kỷ là lao và HIV/AIDS cộng lại.

Biến chứng của hen phế quản còn nặng nề hơn. Do đó những người bị bệnh hen phế quản và mọi người trong toàn xã hội cần có sự hiểu biết để có ý thức điều trị bệnh hen ngay từ những giai đoạn đầu đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, tiến tới kiểm soát được cơn hen, giảm các cơn khó thở trong tuần, trong ngày là góp phần khống chế một cách có hiệu quả các biến chứng của bệnh hen.

Khi gặp cơn hen ác tính hay nghi có các biến chứng của hen thì phải khẩn cấp đưa người bệnh đến các cơ sở cấp cứu ở bệnh viện để khám và xử trí kịp thời.
Xem chi tiết…

Những kiêng kỵ với bệnh hen phế quản ở trẻ nhỏ

Hen phế quản thuộc phạm vi chứng háo suyễn đàm ẩm, là bệnh xảy ra ở người có tính trạng dị ứng, người bệnh thở gấp, nặng thì há mồm trợn mắt mà không thở được, nằm ngồi không được. Nguyên nhân gây ra bệnh, do cảm phải ngoại tà, ăn uống tình trí bất thường, làm việc quá sức. Về tạng phủ do sự thay đổi của tạng phế và thận vì phế tuyên giáng, và thận nạp khí.


Hen phế quản có liên quan đến các yếu tố gây dị ứng ở môi trường như khói, bụi, sơn, phấn hoa, thức ăn... Do đó, ngoài việc phòng tránh những yếu tố có thể gây dị ứng, luyện tập để nâng cao ngưỡng chịu đựng của cơ thể thì chế độ ăn uống cũng có ý nghĩa rất lớn đối với việc kiểm soát bệnh.  Cơ chế gây ra bệnh hen suyễn cho đến nay vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ và rất phức tạp, không phải bất cứ trường hợp hen suyễn nào cũng do nguyên nhân từ bên ngoài gây ra, tức nguyên nhân ngoại sinh như thời tiết, phấn hoa, bụi, khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường…mà còn có những cơn hen do chính yếu tố bên trong cơ thể gây ra như stress, bệnh dạ dày, ruột,…

Tuy nhiên, phần lớn hen suyễn thường khởi phát do các yếu tố dị ứng với chất lạ như dị ứng theo mùa, bụi bặm, nấm mốc và phấn hoa... Nếu bạn chắc chắn biết được yếu tố nào gây bất lợi làm bùng phát những cơn suyễn của mình thì càng hạn chế tiếp xúc với yếu tố đó càng tốt. Ví dụ như khói thuốc lá, mùi nồng từ thuốc trừ sâu, mùi keo xịt tóc, mùi sơn, các loại dầu thơm...

Các loại thực phẩm không nên dùng

Thường xuyên là những thức ăn có nhiều gia vị thường thấy ở các món salad, các loại uống giải khát và thực phẩm đóng hộp, thức uống lên men, rau cải ngâm dấm hoặc làm dưa chua, các loại trái cây khô đóng gói, chế biến sẵn hay một số đồ ăn biển (tôm, cua, ghẹ, mắm nêm). Tất nhiên không phải mọi thực phẩm trên đều cần phải kiêng mà bạn nên theo dõi xem mình thường dị ứng với loại thực phẩm nào, khi ăn thức ăn nào thì hay bị lên cơn suyễn để phòng ngừa và cách ly. Ngoài ra cần cảnh giác ngay với chính một số thuốc chữa bệnh như kháng sinh, thuốc Aspirin…

Nên kiêng cữ

Những thức ăn có thể gây dị ứng đối với cơ địa riêng của mỗi người.  Cần ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin C, magnesium và những acid béo Omega 3.  Người ta nhận thấy việc thiếu vitamin C phối hợp với điều kiện không khí ô nhiểm làm gia tăng những trường hợp bệnh suyển, đặc biệt là đối với trẻ em.

 Một số nghiên cứu thấy ở những người bệnh suyển, lượng vitamin C trong cơ thể thường ít hơn 50% so với những người bình thường.  Vitamin C tự nhiên có nhiều trong các loại rau quả như cà chua, cà rốt và rau xanh như rau dền, rau diếp …  Rau quả xanh cũng có nhiều magnesium.  Magnesium có tính năng cải thiện hoạt động của phổi qua tác dụng làm giãn các lớp cơ bao quanh khí quản.  Ngoài ra các nhà khoa học cũng khuyên người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm có chứa những acid béo Omega 3 như các loại cá, các loại quả hạch, mè, hạt hướng dương, dầu cá thu, dầu lanh... Ngoài việc tăng cường sức miển dịch và một số lợi ích khác, những loại acid béo Omega 3 là một yếu tố chống viêm tự nhiên rất hữu ích cho những người có cơ địa dị ứng để ngăn chặn cơn hen và cải thiện chức năng hô hấp

Bài thuốc khuyên dùng

Đẳng sâm 15 g, bạch truật 10 g, phục linh 10 g, ngũ vị tử 10 g, sơn thù 10 g, tô tử 6 g, long cốt 20 g, mẫu lệ 20 g, cam thảo 6 g. Dùng 1,2 lít nước, cho long cốt và mẫu lệ vào sắc trước, sau 20 phút mới cho các vị thuốc còn lại vào, sắc còn 450 ml, chia ra 3 phần, Nấu với 1 lít nước, sắc còn 450 ml, chia ra 3 phần, uống vào buổi sáng, buổi trưa và buổi tối, lúc đang đói.

Bài thuốc có tên "Bổ hư định suyễn thang". Thích ứng với trường hợp hen phế quản thuộc chứng "hư" (suy nhược), theo phân loại của Đông y học. Với các biểu hiện: Thỉnh thoảng xuất hiện những cơn hen kéo dài, suyễn thở, người mệt mỏi, tiếng nói yếu ớt, hễ cử động là bệnh phát thêm nặng; môi và móng tay tím tái, chất lưỡi tối, mạch nhược (yếu).

(Theo 60s.com.vn)
Xem chi tiết…

Cơn ngừng thở khi ngủ ở trẻ em

Cơn ngừng thở khi ngủ là một rối loạn không phải hiếm gặp ở trẻ em, nhưng hiện nay ở nước ta vấn đề này ít được quan tâm chú ý. Nhiều trẻ có rối loạn này nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời nên đã phải gánh chịu những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như học tập của trẻ.

Cơn ngừng thở do tắc nghẽn đường hô hấp (NTDTNHH) là gì? Đó là hiện tượng rối loạn hô hấp trong khi ngủ do tắc nghẽn ở đường hô hấp trên, làm cản trở luồng khí đi ra và đi vào phổi. Điều này làm chất lượng giấc ngủ của trẻ không tốt, không có tác dụng giúp cơ thể trẻ nghỉ ngơi và hồi phục.



Trẻ nào dễ bị cơn NTDTNHH? Rối loạn NTDTNHH có thể xảy ra ở mọi trẻ em. Theo một nghiên cứu tại Singapore, có khoảng 1% số trẻ từ 4-6 tuổi bị NTDTNHH.

Cơn NTDTNHH hay xảy ra ở các trẻ sau:

- Ngủ ngáy.

- Trẻ quá thừa cân hoặc béo phì.

- Trẻ có amiđan to, quá phát hoặc VA.

- Trẻ có các bất thường về giải phẫu ở đường hô hấp trên.

- Trẻ có các bệnh rối loạn về thần kinh - cơ.

- Trong gia đình trẻ có người bị mắc chứng bệnh này.

Khi nào thì nghi ngờ trẻ bị cơn NTDTNHH?

- Trẻ thường xuyên ngủ ngáy.

- Khó thở khi ngủ.

- Ngủ không ngon giấc.

- Hay phải trở mình luôn trong khi ngủ.

- Hay nằm sấp khi ngủ.

- Trẻ hay đái dầm.

- Trẻ hay phải thở bằng miệng.

- Trẻ ngủ ngày quá nhiều.

Cơn NTDTNHH thường gây ra các tình trạng sau

- Đau đầu vào buổi sáng.

- Hay ngủ gật và ngủ ngày quá nhiều.

- Học kém và ít tham gia được vào các hoạt động khác ở nhà trường.

- Chậm phát triển.

- Rối loạn ứng xử và nhân cách.

- Huyết áp cao.

Điều trị

Điều trị trẻ bị cơn NTDTNHH Cần phải tìm nguyên nhân gây ra rối loạn này trước khi quyết định điều trị cho trẻ. Khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh và cần thiết có thể phải làm thêm một số xét nghiệm khác như công thức máu, điện tâm đồ, điện não đồ trong khi ngủ. Điều trị giảm cân nếu thừa cân là nguyên nhân gây ra rối loạn này; Thông thường nếu sau đợt điều trị, trẻ giảm được khoảng 10% trọng lượng cơ thể thì chứng tỏ tình trạng bệnh đã tốt hơn.

Phẫu thuật cắt amiđan hoặc nạo VA nếu amiđan quá phát hoặc VA là nguyên nhân gây ra rối loạn.

Các biện pháp khác

Dùng thiết bị thở tại nhà qua mask chụp vào miệng và mũi trong khi ngủ là biện pháp tốt khi các biện pháp trên không có hiệu quả.

(Nguồn: bác sĩ gia đình)
Xem chi tiết…

Hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở

Hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở (Obstructive Sleep Apnea Syndrome: OSAS) mới được biết đến trong vòng bốn thập kỷ qua. Triệu chứng đặc trưng nhất của OSAS là ngủ ngáy. OSAS không những ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ của những người khác ngủ cùng giường.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy một số trường hợp tử vong đột ngột vào ban đêm trong lúc ngủ có liên quan với OSAS. Trước đây, OSAS thường ít được quan tâm. Nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học và xã hội, hội chứng này ngày càng được quan tâm hơn và đã đạt được nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên ở Việt Nam, OSAS vẫn chưa được các bệnh nhân và cả thầy thuốc ghi nhận hoặc hiểu biết đầy đủ.



OSAS là gì ?
OSAS là một sự suy yếu của giấc ngủ và rối loạn hô hấp được định nghĩa như sự ngừng thở 10 giây, ít nhất 5 lần trong 1 giờ ngủ.

Nguyên nhân nào gây ra OSAS ?

Ngày nay, các yếu tố bất thường về giải phẫu ở đường hô hấp trên được xem như là nguyên nhân chính gây OSAS.

Ngoài ra có vài tình trạng bệnh lý khác cũng liên quan với OSAS. Trong quá trình ngủ, các cơ của cơ thể được giãn ra và có thể làm cho các mô thừa lấn vào đường hô hấp trên (nền của miệng, mũi và họng) vốn dĩ đã hẹp càng hẹp thêm, làm tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường thở khi ngủ. Hậu quả gây ra tiếng ngáy khi ngủ và làm giảm độ bão hòa oxy máu, sau đó là gây ngừng thở.

Khi sự hô hấp bị gián đoạn bởi sự tắc nghẽn của đường thở, cơ thể phản ứng lại bằng cách tự đánh thức đủ để bắt đầu cho việc thở trở lại. Sự đánh thức này có thể xảy ra hàng trăm lần mỗi đêm nhưng không đủ để làm thức tỉnh bệnh nhân ở mức độ ngủ nông (giai đoạn I, II). Do đó họ vẫn không nhận biết tiếng ngáy của chính mình.

Sự ngạt thở (choking) và sự thở hổn hển (gasping) có liên quan một cách đặc biệt với OSAS. Những người bị OSAS thường không có một giấc ngủ ngon, do sự ngưng thở lặp đi lặp lại và sự tự đánh thức làm bệnh nhân mất giai đoạn ngủ sâu (giai đoạn III, IV) và giai đoạn REM (rapid eye movement), dẫn đến sự mệt mỏi cả ngày mạn tính và stress tim mạch lâu dài.

Các yếu tố bất thường về giải phẫu ở đường hô hấp trên và những tình trạng liên quan với OSAS:

- Ngạt mũi.
- Khẩu cái mềm và lưỡi gà quá lớn.
- Quá phát amiđan.
- Lưỡi lớn và đầy.
- Họng miệng và hạ họng hẹp do niêm mạc và mô dưới niêm mạc quá dày.
- Hàm nhỏ (micrognathia).
- Hàm đưa ra sau (retrognathia).
- Xương móng thấp hơn bình thường.
- Béo phì.
- Hội chứng Down.
- Suy giáp.
- Bệnh to cực (acromegaly).
- U, phẫu thuật ung thư và tia xạ ở mũi họng gây phù nề hoặc xơ sẹo.

OSAS gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

OSAS có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe. Việc ngủ ngày (daytime sleep) quá nhiều, kém hoạt động, sự gián đoạn của giấc ngủ bình thường sẽ dẫn tới sự gia tãng đáng kể trong tai nạn giao thông (gấp 7 lần người bình thường). Qua thời gian dài, OSAS liên quan với nguy cơ cao của cao huyết áp và bệnh tim mạch.

Thêm vào đó, tiếng ngáy và sự gián đoạn thở có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của những người ngủ cùng giường với bệnh nhân. Sự chứng kiến một cơn ngưng thở có thể là nỗi ám ảnh đáng sợ bởi bệnh nhân OSAS thường có biểu hiện ngạt thở (suffocating). Do đó những người ngủ cùng giường nên thuyết phục bệnh nhân đi khám bệnh.

Những ai dễ bị OSAS?

Kết quả từ một nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 1/3 nam và gần 1/5 nữ có ngủ ngáy thường xuyên bị OSAS ở những mức độ khác nhau, trong đó gần 1/3 trường hợp có biểu hiện OSAS trầm trọng. Những người béo phì bị ảnh hưởng nhiều hơn (với khoảng 1/3 bị OSAS trầm trọng). đàn ông thường bị ảnh hưởng nhiều hơn phụ nữ, có lẽ do bị béo phì nhiều hơn phụ nữ.

Chẩn đoán OSAS như thế nào?

- Khai thác bệnh sử :

Với những người nghi ngờ bị OSAS, cần tập trung vào mức độ của tình trạng thiếu ngủ, kém hoạt động và những dấu chứng, triệu chứng nghi ngờ có liên quan đến rối loạn này. Ngủ ngáy và sự ngưng thở thấy được khi bệnh nhân ngủ là tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá. Xác định ngủ ngáy liên tục, ngắt quãng hoặc chỉ ở một số tư thế là quan trọng.

Hỏi người ngủ chung giường với bệnh nhân cũng là yếu tố giúp cho việc chẩn đoán.
Những trường hợp nhẹ hơn, biểu hiện tắc nghẽn đường thở xảy ra hầu như trong khi nằm ngửa, trong khi đó nằm nghiêng hoặc sấp thì không.

Những dấu hiệu khác bao gồm: tiền sử tăng cân, sử dụng thuốc, rượu hoặc các chất giảm đau khác và một tiền sử về rối loạn giấc ngủ. Những vấn đề về tim mạch, cao huyết áp, bệnh thần kinh cũng nên được xem xét chi tiết. đồng thời cũng cần đánh giá mức độ ngủ ngày, buồn ngủ trong khi làm việc, lái xe hay xảy ra tai nạn, thay đổi nhân cách, kém tập trung, rối loạn chức nãng tình dục. Xem xét thời gian của giấc ngủ, khởi phát ngủ và chất lượng ngủ là manh mối quan trọng.

- Khám lâm sàng : 

Mục tiêu chính của khám lâm sàng là xem xét toàn bộ những yếu tố nghi ngờ về giải phẫu gây tắc nghẽn đường thở và ghi nhận những tổn thưõng tại chỗ để sửa chữa. Cấu trúc sọ mặt của bệnh nhân OSAS là thông tin rất quan trọng. Ngạt mũi thường gặp do quá phát cuốn mũi cũng thường gặp ở những bệnh nhân OSAS. Thở miệng khi ngủ rất hay gặp. Tuy nhiên, không thể kết luận thở miệng là hoàn toàn do ngạt mũi.

Khám họng, hạ họng thường được các bác sĩ tai mũi họng quan tâm nhằm tìm kiếm những nếp niêm mạc thừa dày lên ở hạ họng, lưỡi gà và khẩu cái mềm. độ sâu và rộng của hạ họng, sự quá phát của amidal cũng được xem xét.

Hàm tụt ra sau, hàm nhỏ, lưỡi lớn có thể gặp.

Nội soi ống soi mềm có ích trong việc đánh giá đường thở của bệnh nhân OSAS.

Bệnh nhân cũng cần làm thêm một số xét nghiệm như: EEG, EMG, ECG, EOG, oxymetry, SaO2 < 85% cần đặc biệt chú ư, SaO2 < 60% biểu hiện OSAS nặng, X-quang sọ mặt... 

Vấn đề điều trị OSAS hiện nay

- Điều trị nội khoa

Bệnh nhân cần tránh sử dụng rượu, các thuốc giảm đau, thuốc ngủ, thuốc an thần, một số thuốc kháng histamine và các thuốc chống động kinh đặc biệt vào ban đêm. Ngay cả một số thuốc điều trị cao huyết áp ức chế beta hoạt động ngắn cũng có thể làm OSAS nặng thêm. Thuốc thường được sử dụng để điều trị OSAS là Protriptyline, tuy nhiên hiệu quả còn chưa cao. Nếu OSAS do nguyên nhân về giải phẫu, các thuốc hoàn toàn không có hiệu quả.

Sự lên cân là yếu tố liên quan đến sự gia tăng nguy cơ và độ trầm trọng của OSAS, có thể do sự lắng đọng mô mỡ trong đường hô hấp trên. Do đó nỗ lực giảm cân được xem như là một phương pháp điều trị hỗ trợ.

Thở oxy hỗ trợ có thể hữu ích trong thời gian ngắn nếu các cách khác không có tác dụng.
Một phương pháp điều trị không phẫu thuật quan trọng nhất là sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (continuous positive airway pressure: CPAP). Hàng đêm, trong khi ngủ, bệnh nhân mang một mặt nạ được nối với một máy bơm đẩy không khí vào mũi ở áp lực cao đủ vượt quá sự tắc nghẽn trong đường thở và kích thích cho thở bình thường. CPAP có hiệu quả cao, cải thiện trong 100% trường hợp, ngoại trừ vài trường hợp tắc mũi nặng. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân cảm thấy bất tiện khi đeo mặt nạ, có cảm giác bị nhốt (claustrophobic) hoặc gây khó chịu.

Các phương pháp khác như nẹp răng hàm (orthodontic splints), dụng cụ giữ lưỡi, kèn mũi (nasal trumpets) đã được báo cáo là thành công nhưng vẫn không được chấp nhận rộng rãi.

- Điều trị phẫu thuật trong OSAS

Mở khí quản được ghi nhận như là tiêu chuẩn vàng trong điều trị OSAS nặng và vẫn còn hiệu quả cao. Tuy nhiên tiêu chuẩn mới có lẽ là CPAP. Mở khí quản hữu ích đối với những bệnh nhân không chịu được hoặc không hiệu quả với CPAP.

Từ năm 1981, phẫu thuật tạo hình lưỡi gà - khẩu cái - họng (uvulopalatopharyngeoplasty: UPPP) đã được giới thiệu để điều trị OSAS, đây là phẫu thuật cắt lưỡi gà, một phần khẩu cái mềm, amidal và có thể các mô thừa khác trong họng. UPPP giúp cải thiện đáng kể với OSAS nặng (khoảng 50%).

Những bệnh nhân bị OSAS nặng được cải thiện triệu chứng nhưng có thể vẫn tiếp tục có sự ngưng thở và mất bão hòa oxy đáng kể. Nhiều nghiên cứu đã không cho thấy có bất kỳ sự cải thiện nào đối với tỷ lệ tử vong với UPPP, như xảy ra ở những bệnh nhân được mở khí quản hoặc CPAP.

Phẫu thuật treo xương móng nhằm làm rộng đường thở ở nền lưỡi được giới thiệu là khá thành công, đặc biệt nếu phẫu thuật kết hợp với UPPP và phẫu thuật ở mũi. Phẫu thuật xương hàm trên và dưới bằng sliding ostiotomies cũng giải quyết được những bất thường về giải phẫu gây ra OSAS.

Tắc nghẽn mũi một phần hoặc hoàn toàn có thể làm tăng thêm OSAS nhưng hiếm khi là nguyên nhân duy nhất. Giải quyết ngạt mũi đơn thuần thường không hiệu quả trong OSAS mà thường có tác dụng hơn trong ngừng thở nhẹ, ngủ ngáy mạn tính hoặc khi sử dụng kết hợp với các loại phẫu thuật đường thở khác. 

(Theo Thạc sĩ. BS. Trịnh Minh Chánh)
Xem chi tiết…

Bệnh hen phế quản ở trẻ em

Việc chẩn đoán hen phế quản (HPQ) ở trẻ em rất khó, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi vì dễ nhầm với viêm tiểu phế quản. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em tăng 3-4 lần sau 20 năm.

Trong quản lý và điều trị HPQ, để can thiệp sớm thì việc chẩn đoán xác định là rất cần thiết. Các triệu chứng sau hướng đến bệnh HPQ.



Triệu chứng cơ năng

- Ho, lúc đầu ho khan sau xuất tiết nhiều đờm, ho dai dẳng, ho nhiều về đêm nhất là lúc thay đổi thời tiết.

- Khạc đờm khi ho đờm trắng dính, có nhiều bạch cầu ái toan. Nếu đờm có mủ là đã có bộ nhiễm viêm phế quản do vi khuẩn.

- Khó thở chủ yếu khó thở ra, kéo dài. Nếu nhẹ chỉ xuất hiện khi gắng sức. Trẻ lớn có cảm giác nặng ngực.

- Trường hợp điển hình khó thở thường xuyên kiểu khó thở ra, có tiếng khò khè.

Triệu chứng thực thể

Nghe có nhiều ran rít, ran ngáy ở phổi, thở khò khè, gõ phổi có thể vang hơn bình thường, vùng đục trước tim giảm, lồng ngực có thể nhô ra phía trước nếu khó thở kéo dài.

Triệu chứng cận lâm sàng

- Xét nghiệm đờm: Trẻ lớn có thể khạc đờm màu trắng, bóng lẫn bọt và dính trong đó có nhiều bạch cầu ái toan và tinh thể charcot leyden. Nếu có bội nhiễm thì đờm có mùi hôi và có vi khuẩn.

- Xét nghiệm máu: Dung tích hồng cầu tăng, bạch cầu ái toan tăng. pH sẽ chuyển thành toan, protein và globulin miễn dịch giảm.

- Thăm dò chức năng hô hấp: Dung tích sống giảm. Lưu lượng đỉnh không đạt chỉ số bình thường (trẻ dưới 5 tuổi khó đo chỉ số này).

- X-quang: Hình ảnh ghi nhận cho thấy có hiện tượng khí phế thũng.

Trong thực tế dựa trên triệu chứng lâm sàng là chính, khi cần thiết mới xét nghiệm. Gina (chương trình quốc tế kiểm soát hen) phân loại HPQ làm 4 bậc theo mức độ nặng nhẹ.

Các thuốc điều trị dự phòng và kiểm soát HPQ

1. Corticoides

Dạng khí dung (bình xịt định liều) ICS: tác dụng kháng viêm, giảm tính thấm thành mạch, giảm xuất tiết phù nề phế quản và gia tăng tác dụng của thuốc giãn phế quản cường bêta 2, giảm nhu cầu sử dụng SABA, giảm đáp ứng phế quản, ít tác dụng phụ nhất là dùng lâu dài và hấp thụ tại chỗ cao.

Các loại đã có: Beclomethasone (Becotid), Budesonide (Puluncort), Fluticasone (Flixotid) và salmeterol + Fluticasone (Seretid).

2. Thuốc giãn phế quản cường bêta 2 tác dụng dài (LABA) 

Tác dụng ức chế các cơ chế gây co thắt phế quản, gia tăng hoạt động của hệ lông chuyển. Các loại này được khởi phát chậm (30-60p) trong thời gian dài (12-14 giờ), khống chế bệnh hen lâu dài không phải chỉ để cắt cơn hen cấp.

Các loại đã có: Salmeterol (Serevent), Bambuterol (Bam bec), Formoterol (Foradil), Albuterol (Volmax).

3. Thuốc phối hợp 2 loại (ICS + LABA) 

Có tác dụng kép vừa chống viêm vừa chống co thắt phế quản, cải thiện lưu lượng đỉnh nhanh hơn, tăng số ngày không có biểu hiện HPQ. Hiện nay loại này được xem là nền tảng điều trị lâu dài, hiệu quả tối ưu và an toàn cao nhất trong kiểm soát hen.

Các loại đã có: Serstid Evohaler hàm lượng 25/50mcg-25/125mcg-25/250mcg. Seretid Acuhaler hàm lượng 50/100mcg-50/250mcg-50/500mcg tùy theo trẻ có thể dùng loại xịt hoặc loại hít.

Các thuốc cắt cơn nhanh (SABA) 

Cường bêta 2 dạng khí dung: Salbutamon (Ventolin), Terbutaline (Bricanyl).

Kháng Cholinergic hít: Ipratropinm bromide (Atrovent).

Steroid dạng viên và nước: Methyprednisolone (Medrol), Prednisolone.

Tóm lại để quản lý và điều trị HPQ được tốt cần:

- Phối hợp chặt chẽ với người bệnh và gia đình.

- Theo dõi, đánh giá và sử dụng các biện pháp thăm dò chức năng hô hấp, đặc biệt là lưu lượng đỉnh.

- Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố khởi phát cơn hen.

- Điều trị đúng phác đồ, sử dụng đúng và đủ liều thuốc.

- Theo dõi và xử trí kịp thời những cơn hen kịch phát, khống chế cơn hen.

- Chăm sóc toàn diện, đặc biệt là cho bệnh nhi < 5 tuổi.

Nguồn: Y học hàng ngày
Xem chi tiết…

Xử trí khi trẻ bị viêm thanh khí quản cấp

Viêm thanh khí quản cấp là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Đây là tình trạng viêm phù nề cấp vùng dưới hai dây thanh gây hẹp đường thở, khiến việc hô hấp của trẻ gặp khó khăn.



Dấu hiệu nhận biết bệnh

Viêm thanh khí quản cấp thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. Bệnh có hai loại: viêm thanh khí quản do siêu vi và viêm thanh khí quản co thắt.

Viêm thanh khí quản siêu vi: Nguyên nhân do siêu vi: Parinfluenzae, RSV. Adenovirus …

Triệu chứng khởi phát thường là sốt nhẹ, ho, sổ mũi. Vài ngày sau, trẻ có thể sốt cao đến 40 độ C, khan tiếng, ho lớn tiếng. Nếu không được điều trị đường thở sẽ sưng thêm, phủ đầy đàm nhớt làm trẻ khó thở hơn và thở co kéo (có tiếng rít thanh quản).

Tiếng rít thanh quản sẽ tăng khi trẻ khóc hay chơi. Nếu trẻ nằm yên mà vẫn nghe tiếng rít là triệu chứng bệnh trở nặng. Các triệu chứng thường tăng lên về đêm, nặng nhất vào ngày thứ hai, sau đó có thể lui dần trong một tuần.

Viêm thanh khí quản co thắt: Nguyên nhân do dị ứng, viêm hô hấp trên, siêu vi.

Triệu chứng hay xảy ra đột ngột trong đêm. Trẻ có thể bị cảm sổ mũi nhẹ lúc đi ngủ nhưng mấy tiếng sau đột nhiên khó thở nhiều, khan tiếng và ho ong ỏng, kéo dài 2 giờ đến 4 giờ.

Những loại siêu vi gây viêm khí phế quản cấp rất dễ lây nhiễm qua hắt hơi sổ mũi và truyền từ trẻ này qua trẻ khác.

Cách xử trí

Đa số các trường hợp viêm thanh khí quản có thể được điều trị ngoại trú bằng cách giữ ấm vùng cổ, cho bé uống thuốc hạ sốt, giảm ho theo chỉ định của bác sĩ và ăn uống bình thường. Đưa trẻ khám bác sĩ chuyên khoa nhi và theo dõi sát: tri giác, tiếng rít thanh quản, nhịp thở của trẻ.

Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi:

- Nghi ngờ trẻ có dị vật phế quản: tình huống này rất nguy hiểm, nếu không được lấy dị vật ra sớm

- Trẻ vẫn sốt cao liên tục dù đã được cho thuốc hạ sốt.

- Nghe thấy tiếng rít ngay cả khi trẻ nằm yên.

- Trẻ vã mồ hôi, bứt rứt, khó thở (thở nhanh, cánh mũi phập phồng), chảy nước miếng nhiều.

Phòng ngừa viêm thanh khí quản cấp

Cách tốt nhất để phòng ngừa là ngừa các nhiễm trùng. Do đó, cha mẹ phải rửa tay khi chăm sóc con và không để trẻ tiếp xúc với người bị cảm cúm. Viêm thanh khí quản cấp thường là một bệnh tự hạn chế và có diễn biến tốt nếu cha mẹ cảnh giác với bệnh và theo dõi sát trẻ.

Nguồn: bác sĩ gia đình

Xem chi tiết…

Tự xoa bóp phòng ngừa viêm khí phế quản mạn

Bệnh viêm khí quản mạn tính thường gặp khi thời tiết đổi mùa. Nguyên nhân do người bệnh khi bị viêm họng, viêm khí quản cấp tính nhưng không điều trị kịp thời hoặc điều trị không dứt điểm nên chuyển thành mạn tính; hoặc do bị cảm cúm mà chuyển thành viêm khí phế quản.



Triệu chứng chủ yếu là ho kéo dài, có thể có đờm, đau ngực, đôi khi kèm theo thở khò khè. Khi mới phát bệnh thường nhẹ, sau khi ho thường nhổ ra đờm loãng có bọt trắng, dính. Bệnh nhân có thể sốt cao, lạnh run, ho nhiều, đờm nhiều quánh hoặc vàng đặc. Một số trường hợp nặng, viêm khí phế quản mạn tính kéo dài có thể dẫn tới giãn phế quản, suy tim. Theo Đông y, ngoài việc dùng thuốc theo nguyên tắc biện chứng luận trị, người bệnh có thể tự tiến hành một số thao tác xoa bóp để phòng bệnh và hỗ trợ tích cực cho các biện pháp trị liệu. Dưới đây, xin giới thiệu cách tự xoa bóp phòng chống viêm khí phế mạn tính đơn giản để độc giả có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

1. Day huyệt đản trung: dùng ngón cái hoặc ngón giữa tay phải day huyệt đản trung trong khoảng 2 phút.
Day huyệt hợp cốc.

2. Day huyệt khuyết bồn: dùng ngón giữa day huyệt khuyết bồn hai bên trong khoảng 2 phút.

3. Day huyệt nhũ căn: dùng ngón cái hoặc ngón giữa day huyệt nhũ căn cả hai bên trong khoảng 2 phút.

4. Xoa ngực: Trước hết, dùng lòng bàn tay phải xoa từ ngực bên phải sang bên trái. Sau đó đổi tay, dùng tay trái xoa ngực từ bên trái sang bên phải. Khi xoa, tay đưa đi đưa lại theo một đường thẳng. Bàn tay xoa có lực nhưng không nên ép mạnh quá gây tổn thương da. Động tác phải đều đặn, hít thở đều. Tốc độ xoa khoảng 100 - 120 lần/phút tới khi ngực nóng lên thì thôi.

5. Day huyệt phong môn: Trước hết, tay phải đưa về phía sau vai trái, ngón tay giữa áp vào huyệt phong môn day trong khoảng 2 phút. Sau đó đổi tay trái đưa về phía sau vai phải, ngón tay giữa áp vào huyệt phong môn day trong khoảng 2 phút.

6. Day huyệt phế du: Tay phải đưa về phía sau vai trái, ngón giữa áp vào huyệt phế du day trong 2 phút. Sau đó đổi tay trái đưa về phía sau vai phải, ngón giữa áp vào huyệt phế du và day trong 2 phút.

7. Bấm huyệt hợp cốc: Dùng ngón cái hoặc ngón trỏ, ngón giữa bấm vào huyệt hợp cốc mỗi bên khoảng 10 lần. Khi bấm, động tác theo nhịp một mạnh, một nhẹ.

8. Day huyệt túc tam lý: Dùng ngón cái tay phải bấm vào huyệt túc tam lý bên chân phải và day trong 1 phút. Lặp lại tương tự với chân trái. Cũng có thể bấm đồng thời cả hai bên.

Dù là day, bấm hay vuốt vào huyệt vị, nếu thấy cảm giác tê tức là được.

Để phòng bệnh, cần thực hiện những điều sau:

- Bỏ hút thuốc.

- Phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bằng súc họng, nhỏ mũi. Nên tiêm vaccin phòng bệnh cúm. Đeo khẩu trang khi ra ngoài trời và khi phải tiếp xúc với người bị ho hoặc hắt hơi.

- Uống nhiều nước, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại vitamin để tăng cường thể lực.

- Nhà ở phải thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Đối với người già và trẻ em, cần giữ ấm chân, cổ, ngực, nhất là khi ngủ và lúc ra ngoài trời. Mùa rét không tắm nước lạnh, nơi tắm phải kín, không có gió lùa dễ gây viêm họng, viêm khí phế quản.

- Điều trị tốt các bệnh ở tai mũi họng. Khi có bội nhiễm cần kết hợp dùng thuốc theo y học hiện đại.

Vị trí huyệt

- Huyệt đản trung: Ở điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường đi qua 2 núm vú (nam giới) hay đường đi ngang qua bờ trên 2 khớp xương ức thứ 5 (nữ giới).

- Huyệt khuyết bồn: Huyệt ở chỗ lõm chính giữa mép trên xương đòn, thẳng xuống dưới là đầu vú.

- Huyệt nhũ căn: Ở giữa gian sườn 5, thẳng dưới đầu vú, cách đường giữa ngực 4 tấc.

- Huyệt phong môn: Dưới mỏm gai đốt sống lưng 2 đo sang ngang 1,5 tấc.

- Huyệt phế du: Dưới mỏm gai đốt sống lưng 3, đo sang ngang ra 1, 5 tấc.

- Huyệt hợp cốc: Huyệt nằm ở điểm giữa xương bàn tay 1 và 2 về phía mu tay. Hoặc khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.

- Huyệt túc tam lý: Úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chày), từ đó ngang ra phía ngoài 1 tấc là huyệt.

Nguồn: đông y việt

Xem chi tiết…

Phòng bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em

Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính, rất hay gặp ở trẻ còn bú. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm sẽ cho kết quả tốt, những trường hợp nặng gây suy hô hấp có thể bị tử vong. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần có những hiểu biết về bệnh để chăm sóc trẻ được tốt hơn.

Những biểu hiện khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
Triệu chứng ban đầu thường thấy nhất là tình trạng trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau từ 3 – 5 ngày, trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít. Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngừng thở. Khi thăm khám thường thấy nhịp thở của trẻ nhanh, sốt vừa, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên. Tiếng thở có thể nghe ran rít, ran ngáy, thông khí phổi kém.



Các tiêu chuẩn lâm sàng khác cho thấy trong khí máu PaO2 giảm, PaCO2 tăng, có nhiễm toan hô hấp kèm theo, đây là những chỉ số đánh giá mức độ nặng của bệnh. Để phát hiện chính xác loại virus gây bệnh, cần phải phân lập hoặc nuôi cấy virus, bằng cách lấy dịch tiết khí phế quản hoặc trong tổ chức phổi hoặc phản ứng huyết thanh.

Cần lưu ý: khi chẩn đoán bệnh cần phân biệt với các triệu chứng của viêm phế quản, viêm phổi do vi khuẩn hoặc virus, bệnh mềm sụn thanh khí quản, bệnh mạch máu, các khối u (chèn ép khí phế quản từ ngoài vào) hoặc tình trạng u mạch máu, hẹp khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp ở trong. Các bệnh như: trào ngược dạ dày thực quản, dị vật đường thở, khó thở thứ phát sau nhiễm virus… cũng cần được phân biệt với viêm tiểu phế quản ở trẻ em.

Vì sao trẻ bị viêm tiểu phế quản?
Tác nhân làm cho trẻ bị viêm tiểu phế quản thường là do các virus như: virus hợp bào hô hấp (VRS), chiếm 30 – 50% các trường hợp mắc bệnh. Virus cúm và á cúm cũng gây bệnh cho khoảng 25% số trẻ bị viêm tiểu phế quản. Ngoài ra phải kể đến adenovirus với 10% số mắc.

Nếu trẻ sống trong vùng có dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên (do virus hợp bào) thì tỷ lệ bị lây nhiễm rất cao, do sức đề kháng ở cơ thể trẻ còn quá yếu, nhất là trẻ tuổi bú mẹ mà không được bú đầy đủ sữa mẹ. Những trẻ từng bị ốm do nhiễm virus trước đó như: viêm mũi họng, viêm amiđan, viêm VA… đều có nguy cơ dễ nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc tốt. Các trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, sống trong môi trường hút thuốc lá thụ động, bị bệnh phổi bẩm sinh như: loạn sản phổi, mucoviscidose hay bị suy giảm miễn dịch đều có nguy cơ cao mắc phải viêm tiểu phế quản.

Các biến chứng thường gặp
Tất cả các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ nếu không được chẩn đoán bệnh và điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: rối loạn chức năng hô hấp, xuất hiện từng cơn khó thở ra tái phát, viêm tiểu phế quản lan tỏa. Nghiêm trọng hơn sẽ làm trẻ bị suy hô hấp cấp, tràn khí màng phổi, viêm phổi – trung thất, xẹp phổi và thậm chí tử vong.

Xử trí và phòng bệnh thế nào?
Đối với các thể thông thường, không có suy hô hấp thì ngay khi vào viện các bác sĩ sẽ tiến hành hút thông đường thở, giải phóng các chất xuất tiết. Dùng khí dung ẩm thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh như: ventolin, bricanyl, salbutamol. Kết hợp với vật lý liệu pháp hô hấp, vỗ rung, hút đờm. Những trẻ sốt cao, nôn, thở nhanh phải bù đủ dịch và điện giải theo nhu cầu cơ thể trẻ. Cần cho trẻ dinh dưỡng đủ chất, cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng kháng sinh.

Đối với những trường hợp nặng có suy hô hấp thì phải sử dụng liệu pháp oxy, hút thông đường hô hấp trên, dùng thuốc giãn phế quản đường khí dung, truyền nước, điện giải theo nhu cầu cơ thể bù lượng thiếu hụt. Nếu những biện pháp trên không cải thiện tình trạng suy hô hấp thì phải tiến hành đặt nội khí quản và các biện pháp hô hấp hỗ trợ khác. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có biểu hiện viêm nhiễm thứ phát, không nên dùng steriod cho trẻ.

Muốn phòng bệnh hiệu quả, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi, không để trẻ bị lạnh, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bếp than, khói thuốc lá. Khi đi ra đường nên giữ ấm và bảo vệ đường hô hấp trên cho trẻ, có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào mắt, mũi trẻ sau khi đi chơi về. Những trẻ bị các bệnh tim, phổi bẩm sinh càng đặc biệt lưu ý. Nếu trẻ có những biểu hiện bệnh như: sốt, ho, khó thở cần đưa ngay trẻ đến các chuyên khoa hô hấp để được điều trị đúng

Nguồn: y khoa hàng ngày
Xem chi tiết…

Món ăn - bài thuốc dành cho người viêm khí quản

Vào thu đông, bệnh viêm khí quản thường gặp, do bị cảm lạnh hoặc hít phải bụi, do hút thuốc lá... Biểu hiện cơn ho nổi lên vào sáng sớm, lúc nửa đêm. Đông y gọi viêm khí quản là khái thấu, đàm ẩm. Bệnh có hai thể: cấp tính và mạn tính. Ngoài các bài thuốc Đông y theo từng thể bệnh, xin giới thiệu một số món ăn hỗ trợ góp phần làm tăng hiệu quả điều trị. 



Cháo rau diếp cá: Diếp cá 30g, gạo lức 50g. Rửa sạch diếp cá, đổ nước vừa đủ, đun sôi cho gạo đã đãi sạch vào nấu thành cháo. Ăn nóng, ngày 2 lần, cứ 10 ngày là một liệu trình.

Cháo thịt ngỗng: Thịt ức ngỗng 100g, nấm mèo 25g, thịt chân giò chín 15g, hành 5g, gừng tươi 5g, rượu 10g, muối tinh 7g, bột ngọt 2g, dầu thơm vani 25g, nước luộc thịt ngỗng 1 lít, tiêu bột 2g, gạo nếp 100g. Cắt nhỏ thịt ức ngỗng như hạt gạo, nấm, thịt chân giò cũng cắt nhỏ như hạt lựu, gạo nếp đãi sạch cho vào nồi đất, cho nước thịt ngỗng vào nấu, đến khi gạo nở thì cho thịt ngỗng và các thứ vào nấu thành cháo đặc mới cho dầu thơm vani, rắc bột tiêu vào là được. Ngày ăn 1 bát, chia 2 - 3 lần ăn.

Cháo trai: Trai khô 25g, thịt gà 50g, rượu 15g, nấm mèo 50g, muối tinh 5g, mỡ lợn 25g, gạo te 100g, gừng, hành, bột tiêu vừa đủ. Các thứ làm sạch, chế biến xong cho gạo vào nồi với trai khô, thịt gà, nước 1,5 lít nấu thành cháo. Cháo chín cho mỡ lợn, muối, gừng, hành, hạt tiêu vào, đun qua, quấy đều là được. Ngày ăn 1 bát chia 2 lần.

Cháo lê: Quả lê 500g, ý dĩ nhân 100g, đường phèn 100g. Rửa sạch ý dĩ nhân, ngâm nước, vớt ra để ráo. Lê bỏ hạt, cắt thành quân cờ, cho cả ba thứ vào nồi với 1 lít nước nấu thành cháo. Ngày ăn 1 bát chia 2 lần ăn lúc nóng.

Cháo gừng tươi, sơn trà: Lá sơn trà 15g, gừng tươi 15g, gạo lức 100g, dầu vani, muối vừa đủ. Gạo đãi sạch, gừng thái lát, cho cùng lá sơn trà với nước vừa đủ đun thành cháo rồi cho dầu vani, bột ngọt là được. Ngày ăn một bát chia 2 lần.

Cháo vỏ quýt: Vỏ quýt tươi 30g, gạo lức 50 - 100g. Rửa sạch vỏ quýt, đổ nước vừa đủ, nấu lấy nước, bỏ bã rồi cho gạo đã vo sạch, nấu cháo loãng. Ngày ăn một bát chia 2 lần.

Cháo đình lịch tử (hạt đay): Hạt đay 10g, gạo lức 100g. Sao hạt đay đến khi thơm, để nguội, cho nước đun cô đặc, bỏ bã, cho gạo đã vo sạch, thêm nước vừa đủ, nấu cháo. Ngày ăn một bát chia 2 lần.

Cháo hạt mã đề: Hạt mã đề 15g, gạo lức 50g. Dùng vải bọc hạt mã đề, cho vào nồi đất, cho thêm 200ml nước, nấu còn 100ml, bỏ túi thuốc, cho gạo đã đãi sạch, thêm 400ml nước nấu cháo loãng. Ngày ăn 2 lần lúc cháo nóng.

Canh cá diếc, hạnh nhân: Cá diếc 1 con, hạnh nhân 10g, đường đỏ vừa đủ. Làm sạch cá diếc cho vào nồi cùng hạnh nhân và đường. Dùng nồi đất, nước vừa đủ đun chín nhừ là được. Ăn cá, uống canh.

Canh bách hợp: Bách hợp 100g, đường trắng 50g. Rửa sạch bách hợp cho vào nồi cùng đường trắng, nước vừa đủ, đun khoảng 1 giờ thấy chín nhừ là được. Ăn trong ngày. Tác dụng: bổ âm, dưỡng phế, bổ tâm, trừ phiền.

Canh cải nấu đậu phụ, táo tàu: Cải trắng khô 100g, đậu phụ 50g, táo tàu 10 quả, dầu thực vật, muối tinh vừa đủ. Các thứ chế biến rửa sạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, ninh chín, cho dầu, muối vào là được. Ăn kèm trong bữa ăn.

Canh phổi lợn nấu lá chanh: Lá chanh 15g, phổi lợn 150 - 200g. Rửa sạch, cho hai thứ vào nồi, đổ nước vừa đủ đun chín thì cho gia vị là được. Ăn phổi, uống canh.

Canh hải sâm, ngân nhĩ: Ngân nhĩ 10g, hải sâm ngâm nở 150g, nước 1lít, rượu trắng, muối, bột ngọt vừa đủ. Cho ngân nhĩ cùng hải sâm vào nồi, cho nước đun sôi một lúc rồi vớt ra để ráo nước. Dùng một nồi khác đổ 250ml nước và rượu, muối, bột ngọt cùng ngân nhĩ, hải sâm vào, đun sôi thì đun nhỏ lửa khoảng 1 giờ, múc ra vài bát nhỏ. Lại đổ 750ml nước vào nồi khác, cho rượu, bột ngọt, đun sôi, hớt bọt rồi múc vào bát đựng ngân nhĩ, hải sâm. Ăn trong ngày.

Chè bách hợp, mã thầy: Bách hợp 15g, mã thầy 10g, tuyết lê 1 quả, đường phèn vừa đủ. Mã thầy bóc vỏ giã nát; lê gọt vỏ, bỏ lõi, thái nhỏ. Tất cả 4 thứ cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun to lửa tới sôi, chuyển đun nhỏ lửa tới khi đặc sánh là được. Uống trong ngày tùy ý.

Nước táo, cam thảo: Táo tàu 8 quả, cam thảo tươi 6g. Hai thứ rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước 800ml, đun nhỏ lửa còn 400ml, vớt bỏ bã. Uống hằng ngày.

Nguồn: y học thường thức


Xem chi tiết…