Ung thư được xem là bệnh nan y, nhưng nhờ phối hợp tốt 3 phương thức trị liệu chủ yếu là: xạ trị (tức dùng tia phóng xạ để trị), phẫu trị (phẫu thuật cắt bỏ khối u), hóa trị (dùng thuốc để trị) mà tỷ lệ sống của người bệnh tăng lên đáng kể.
Riêng thuốc trị ung thư dùng trong hóa trị là loại thuốc khó sử dụng hơn các loại khác vì nhiều độc tính và phải tuân thủ theo thời gian biểu dùng thuốc nghiêm ngặt. Thuốc này thường chỉ bán ở một số nhà thuốc bệnh viện và thông tin về thuốc khá hạn chế.
Tế bào ung thư nhằm chặn đứng sự phát triển và lan tràn của ung thư. Hiện nay, các thuốc trị ung thư có thể phân ra 4 nhóm lớn có đặc điểm chung là gây độc làm chết tế bào ung thư:
Nhóm thuốc có nguồn gốc thực vật: Gồm thuốc là các hợp chất được lấy từ một số cây cỏ, như vinblastin, vincristin được lấy từ cây dừa cạn (vinca rosea).
Nhóm kháng sinh kháng ung thư: Có một số kháng sinh không được dùng để trị bệnh nhiễm trùng (gọi là kháng khuẩn hay kháng nấm) mà chỉ để trị ung thư như doxorubicin, bleomycin...
Nhóm thuốc kháng chuyển hóa: Là các thuốc gây cản trở tiến trình tổng hợp các chất cần thiết của tế bào, như methotrexat fluorouracil ngăn chặn sự tổng hợp các chất cần cho nhân của tế bào.
Nhóm thuốc alkyl hóa: Là các thuốc gây độc cho tế bào bằng cách gắn một gốc hóa học có tên là alkyl vào một số chất có trong tế bào, gồm có cisplatin, cyclophosphamid... có khả năng đưa gốc alkyl vào cấu trúc ADN ngăn cản sự tái bản của ADN trong nhân tế bào.
Ngoài 4 nhóm trên còn có thuốc tác động đến hormon như tamoxiphen có tác động kháng estrogen, một hormon sinh dục nữ, được dùng trị ung thư vú.
Nhược điểm chung của thuốc trị ung thư hiện nay là: không chọn lọc để chỉ tác dụng trên tế bào ung thư mà không gây hại tế bào lành, dễ bị nhờn thuốc và giảm dần tác dụng. Gần như tất cả các thuốc trị ung thư đều có hệ số an toàn trị liệu thấp, chúng có thể gây độc cho tế bào lành và gây các tác dụng phụ rất nặng nề như: rụng tóc, nôn dữ dội...
Thuốc trị ung thư là loại thuốc bắt buộc dùng theo sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa, bởi vì chỉ có bác sĩ mới am hiểu chuyên môn thực hiện các điều sau:
- Thực hiện các nguyên tắc phối hợp thuốc. Tức là dùng nhiều loại thuốc cùng lúc để: tránh nhờn thuốc, diệt tế bào ung thư tối đa và độc tính gây ra tối thiểu, nhằm chữa khỏi một số ít bệnh (bệnh bạch cầu Hodgkin nếu phối hợp thuốc tốt có thể chữa khỏi), hoặc nhằm giảm triệu chứng ở bệnh chưa khỏi được (ung thư phổi, ung thư ruột kết là loại hiện nay chưa thể chữa khỏi).
- Điều trị theo nhịp để không bị độc hại, như cho dùng thuốc liều cao trong một thời gian (khoảng 3-4 tuần) để đạt tác dụng diệt tế bào ung thư, sau đó có thời gian ngưng dùng thuốc để cơ thể bị nhiễm độc có thể hồi phục.
- Điều trị cứu nguy nhằm làm giảm độc tính của thuốc, như sau đợt dùng thuốc methotrexat có nguy cơ bị độc tính ở ruột và tủy xương, thuốc leucovorin được dùng để bảo vệ các tế bào lành.
- Chọn đường dùng cho thuốc và chọn dùng thuốc thích hợp. Ví dụ sactinomycin, doxorubicin không được tiêm bắp mà phải tiêm tĩnh mạch để kháng hoại tử mô. Cytarabin phải được tiêm truyền tĩnh mạch nhỏ giọt để duy trì nồng độ thuốc trị liệu trong máu. Procarbazin là một trong số ít thuốc vượt qua hàng rào máu não nên được dùng trị u não. Có khi thuốc phải được đưa thẳng vào nơi có khối u như được tiêm vào màng phổi, phúc mạc, bàng quang, động mạch gan, động mạch cổ...
Đối với người bệnh, khi được bác sĩ chuyên khoa chỉ định thuốc, cần tuân thủ thực hiện tất cả những gì bác sĩ yêu cầu. Như phải dùng thuốc kéo dài đúng thời gian (thuốc đã được cho dùng 6 tháng hay 1 năm lại phải dùng kéo dài hơn cho đến khi thấy hiệu quả tốt). Phải dùng thuốc theo đúng đường sử dụng (như uống, tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch tùy theo bác sĩ chỉ định). Hoặc khi đang dùng thuốc gặp những phản ứng bất thường phải báo cho bác sĩ biết.
(Theo Sức Khỏe và Đời Sống)