15 triệu chứng của ung thư phụ nữ dễ bỏ qua

Có những dấu hiệu thường bị nhầm lẫn với những bệnh thông thường, nhưng nếu nó kéo dài và lặp lại nhiều lần, bạn cũng nên cảnh giác và đi khám bác sĩ

1. Tự nhiên giảm cân đột ngột

Nhiều phụ nữ rất vui mừng vì đã giảm được cân mà không cần phải cố gắng ăn uống kiêng khem hoặc tập thể dục thể thao đều đặn. Tuy nhiên nếu một tháng mà tự nhiên bạn giảm từ 4-4,5kg thì hãy coi chừng nhé vì nó có thể là dấu hiệu của một bệnh ung thư nào đó.

Một cuộc thăm khám với bác sỹ và kiểm tra tuyến giáp là cần thiết trong trường hợp này.

2. Cảm giác luôn no bụng ngay cả khi không ăn nhiều

Cảm giác không thấy đói có thể là hiện tượng phổ biến đối với nhiều phụ nữ song nó cũng là một dấu hiệu có thể dẫn đến ung thư buồng trứng.

Những triệu chứng khác của bệnh ung thư buồng trứng bao gồm đau bụng, đau vùng chậu, cảm giác vẫn no ngay cả khi bạn không ăn nhiều và gặp các vấn đề tiết niệu.

Nếu cảm giác no bụng luôn xảy ra gần như mỗi ngày và kéo dài một vài tuần, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

3. Thay đổi núi đôi

Hầu hết phụ nữ đều cảm nhận được sự thay đổi về núi đôi của mình ngay cả khi họ không thường xuyên tự sát hạch núi đôi hàng tháng. Da núi đôi tự nhiên đỏ và dày lên tuy có thể là một biểu hiện rất hiếm hoi nhưng nó lại cảnh báo rất rõ bệnh ung thư vú hoặc viêm núi đôi. Hoặc núi đôi của bạn tự nhiên bị phát ban hơn 1 tuần trở đi, bạn phải đi kiểm tra nhé.

Tương tự, nếu núm vú của bạn thay đổi cũng không phải là một dấu hiệu tốt mà có thể là một triệu chứng đáng lo ngại.

Tất cả những thay đổi bên ngoài của núi đôi bạn đều nên thăm khám cẩn thận. Các bác sỹ sẽ làm một số xét nghiệm cần thiết như chụp X quang tuyến vú, siêu âm và có thể làm sinh thiết.

4. Chảy máu bất thường

Nếu bạn bị chảy máu bất thường hoặc thường xuyên, hoặc thậm chí bị ra máu sau khi mãn kinh thì nó có thể là một triệu chứng của bệnh ung thư áo niêm mạc tử cung hoặc triệu chứng của bệnh ung thư ruột.

Ung thư niêm mạc tử cung là bệnh ung thư phụ khoa phổ biến. Có ít nhất 3/4 phụ nữ bị bệnh này có dấu hiệu chảy máu bất thường. Đây như là một dấu hiệu cảnh báo sớm.

Tùy thuộc vào thời gian chảy máu và các triệu chứng khác kèm theo mà bác sỹ có thể tiến hành siêu âm hoặc làm sinh thiết cho bạn.

5. Thay đổi sắc tố da

Hầu hết phụ nữ đều biết rằng da nhiều nốt ruồi có thể là một dấu hiệu của ung thư da. Nhưng phụ nữ cũng nên lưu ý đến sự thay đổi sắc tố da nữa.

Nếu bạn đột nhiên thấy da bị thay đổi sắc tố trên một vùng rộng quá mức và nó vẫn kéo dài hơn vài tuần thì bạn cũng cần đi kiểm tra da nhé.

6. Khó khăn khi nuốt

Nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt, bạn sẽ phải thay đổi chế độ ăn uống để hạn chế phải nhai bằng cách chuyển sang ăn súp, cháo hoặc thức ăn lỏng. Nhưng dấu hiệu trên có thể là một dấu hiệu của một bệnh ung thư họng.

Tìm đến bác sỹ để nhận được sự thăm khám và có những xét nghiệm chụp X-quang cần thiết.

7. Máu trong nước tiểu hoặc phân

Nếu thấy máu trong nước tiểu hoặc phân của bạn thì có thể là dấu hiệu của bệnh trĩ hoặc ung thư ruột kết.

Trường hợp này, bác sỹ của bạn sẽ hỏi bạn những câu hỏi để thử nghiệm và làm xét nghiệm soi ruột già để tìm khả năng bị ung thư.

Thấy máu lẫn nước tiểu ở phụ nữ có thể là dấu hiệu của chu kỳ nguyệt san đến. Nhưng nếu nó không phải là chu kỳ nguyệt san thì cần phải được kiểm tra vì nó là dấu hiệu bệnh ung thư bàng quang hoặc thận.


Ho ra máu cũng nên được đánh giá đúng. Nếu nó xảy ra nhiều hơn một lần, hãy đi khám bác sỹ.





Ảnh minh họa.


8. Đau bụng âm ỉ


Bất cứ người phụ nữ nào cũng thường gặp những cơn đau bụng. Tuy nhiên ít phụ nữ đã có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe vì điều này. Song hãy lưu ý, những cơn đau bụng có một liên kết của bệnh trầm cảm và ung thư tuyến tụy.

9. Khó tiêu

Ngoại trừ phụ nữ có thai có thể bị khó tiêu khi đã đạt được trọng lượng, những trường hợp còn lại nếu bạn bị những triệu chứng khó tiêu mà không có lý do rõ ràng thì cũng nên đề phòng. Vì nó có thể là một cảnh báo sớm cho bệnh ung thư thực quản, dạ dày hoặc cổ họng.

Đến bác sỹ sớm để có những thử nghiệm về sự khó tiêu trước khi quyết định làm các xét nghiệm.

10. Khoang miệng xuất hiện những đốm trắng lạ

Đặc biệt với những phụ nữ hút thuốc lá cần phải thận trọng với bất kỳ sự thay đổi nào từ khoang miệng hoặc những đốm trắng trên lưỡi.

Những thay đổi ở khoang miệng có thể là một dấu hiệu báo trước bệnh bạch sản - một triệu chứng tiền ung thư có thể tiến triển thành ung thư miệng. Hãy hỏi nha sĩ hoặc bác sĩ để xem xét và quyết định những gì nên được thực hiện tiếp theo.

11. Đau nhức

Phụ nữ thường phàn nàn nhiều hơn nam giới về những sự đau nhức trên cơ thể. Và nó cũng có thể là một triệu chứng sớm của một số bệnh ung thư mặc dù đau nhức không phải là dấu hiệu duy nhất của bệnh này.

Khi bạn đau nhức mà không giải thích được nguyên nhân tại sao lại thế thì nên thăm khám bác sỹ. Dựa trên thông tin bạn cung cấp, bác sỹ sẽ quyết định những thử nghiệm tiếp theo cho bạn.

12. Thay đổi ở hạch bạch huyết

Nếu thấy một khối u hoặc sưng tại các hạch bạch huyết dưới nách, ở cổ hoặc bất cứ nơi nào khác điều đó có thể đáng lo ngại.

Nhất là khi khối u nhỏ trên cơ thể cứ dần dần lớn thêm theo tháng ngày thì bạn nên tiến hành làm sinh thiết.

13. Bị sốt

Nếu bạn hay có những cơn sốt thường xuyên mà không phải nguyên nhân do bệnh cúm hoặc bệnh nhiễm trùng khác thì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh ung thư máu như bệnh bạch cầu hoặc lymphoma.

Triệu chứng ung thư khác có thể bao gồm như bị vàng da hoặc thay đổi màu phân. Trong trường hợp này tùy vào kết quả khác nhau mà bác sỹ sẽ hướng dẫn bạn làm các xét nghiệm như X-quang ngực, chụp CT, MRI hoặc các xét nghiệm khác.

14. Mệt mỏi

Mệt mỏi là một triệu chứng mơ hồ để nghĩ đến dấu hiệu của bệnh ung thư. Nhưng nhiều nghiên cứu đã khẳng định mệt mỏi sẽ càng tăng lên sau khi bệnh đã phát triển. Và nó cũng có thể là dấu hiệu báo hiệu sớm một số bệnh ung thư nhất định như ung thư máu, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày.

15. Ho kéo dài

Những cơn ho thường được quy kết bởi bệnh cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng và thậm chí do tác dụng phụ của một số loại thuốc. Tuy nhiên nếu cơn ho kéo dài hơn 3 hoặc 4 tuần thì bạn không nên bỏ qua nhé.


Hãy thực hiện cuộc hẹn gặp với bác sỹ để được kiểm tra cổ họng, phổi của bạn, đặc biệt nếu bạn đang hút thuốc lá điều đó thực sự cần thiết.


Theo Dân Trí

Xem chi tiết…

Ung thư dạ dày dễ bị nhầm với viêm loét thông thường

Ảnh minh họa: Allaboutparasites.com.
Ảnh minh họa: Allaboutparasites.com.

Bị viêm dạ dày mấy năm liền, mỗi lần đau, anh Tùng (Ba Vì, Hà Nội) lại mua thuốc về uống. Gần đây, thấy đau nhiều vùng dưới ức, hay tức bụng, mệt mỏi, anh mới đi nội soi thì phát hiện ung thư dạ dày, đã di căn khắp ổ bụng.

"Gia đình tôi không thể tin vào điều này. Chồng tôi đã đi khám thêm vài nơi nữa nhưng kết quả vẫn như vậy. Trước đó, anh ấy cứ nghĩ mình bị đau dạ dày, đại tràng thông thường thôi. Cũng mấy lần có người khuyên nên nội soi, nhưng nghe nói cho cái ống đó vào người khó chịu lắm, nên chồng tôi không đi", vợ bệnh nhân 48 tuổi cho biết.

Hiện anh Tùng vừa được phẫu thuật nhưng vì ung thư đã di căn khắp ổ bụng và gan nên cơ hội và thời gian sống của anh còn rất thấp.

Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa nội 1, Bệnh viện K Hà Nội cho biết, đa số bệnh nhân mắc bệnh này ở nước ta được phát hiện muộn nên tiên lượng rất xấu. Có tới 3/4 số người bệnh đi khám khi đã quá đau, bị rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng, gầy sút nhanh - những biểu hiện của ung thư dạ dày ở giai đoạn nguy hiểm.

Theo bác sĩ Tuyết Mai, mỗi năm Việt Nam có trên 15.000 ca mới được chẩn đoán ung thư dạ dày và hơn 11.000 ca tử vong vì bệnh này. Đây là bệnh ung thư phổ biến hàng thứ 3 trong số 10 loại ung thư nguy hiểm thường gặp tại nước ta. Nam giới có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn phụ nữ khoảng 3 lần. Bệnh hay gặp nhất ở tuổi trung niên, tuy nhiên cũng có những người dưới 30 tuổi đã mắc.

Bà Tuyết Mai cho rằng, lý do quan trọng khiến phần lớn bệnh nhân ung thư dạ dày được chẩn đoán muộn là do bệnh không có những triệu chứng đặc hiệu so với các bệnh lý thông thường về dạ dày, tiêu hóa, trong khi rất ít người có thói quen đi khám định kỳ.

Ở giai đoạn sớm của ung thư dạ dày, người bệnh có thể thấy khó tiêu, nóng rát vùng thượng vị, ăn không thấy ngon miệng. Giai đoạn trung bình họ thường mệt mỏi, cảm giác đầy bụng sau khi ăn... Khi đã vào giai đoạn muộn, người bệnh sẽ thường xuyên đau bụng, nôn và buồn nôn, đi kèm với rối loạn tiêu hóa, sút cân, nuốt nghẹn, đại tiện ra phân đen (do xuất huyết tiêu hóa)...

"Những triệu chứng sớm của bệnh khá mơ hồ và khó phân biệt với các loại viêm loét dạ dày thông thường khác nên khiến nhiều người nhầm tưởng và không đi kiểm tra cụ thể", bác sĩ nói.

Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch hội ung thư Việt Nam cho biết, dạ dày là một tạng rỗng, có thể hình dung nó như một quả bóng, vì thế khám bên ngoài sẽ không thể thấy được những tổn thương bên trong. Việc chiếu chụp, siêu âm vẫn bỏ sót người mắc bệnh và thường chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, u đã lớn. Không có cách nào khác là phải nội soi để phát hiện ung thư dạ dày.

"Đối với ung thư dạ dày, việc phát hiện sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bệnh nhân mắc ung thư này ở giai đoạn khởi phát chỉ cần phẫu thuật hớt niêm mạc, vẫn giữ nguyên được dạ dày và cơ hội khỏi là 99%. Bệnh phát hiện càng muộn, việc điều trị càng khó khăn và cơ hội sống càng ít ỏi. Hơn nữa, nội soi dạ dày rất an toàn", bác sĩ cho biết.

Theo bác sĩ Tuyết Mai, hiện tại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân trực tiếp gây ung thư dạ dày nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh: Do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (chiếm khoảng 25-50% số ca mắc bệnh); Do chế độ ăn: ăn mặn, các thức ăn có chứa nhiều nitrat, béo phì: Do hút thuốc lá, uống rượu. Khoảng 10% số bệnh nhân ung thư dạ dày do di truyền và có yếu tố gia đình.

Tiến sĩ Yoon Koo Kang, Khoa chống ung thư, trường Y khoa Asan, Đại học Ulsan, Seoul, Hàn Quốc cho biết, ở Hàn Quốc, cho biết hơn một nửa số bệnh nhân ung thư dạ dày được chẩn đoán và phẫu thuật ngay từ giai đoạn 1 nên thời gian sống được kéo dài hơn nhiều. Ông chia sẻ cách phát hiện sớm bệnh chính là việc thực hiện chương trình tầm soát toàn quốc: áp dụng cho những người từ 40 tuổi trở lên thực hiện soi dạ dày 2 năm một lần.

Theo giáo sư Đức, ở Việt Nam cũng nên thực hiện điều này. Tuy nhiên, nếu chưa có điều kiện thì cần phải đi khám và nội soi dạ dày ngay khi có các triệu chứng như đau vùng mỏ ác, nôn và buồn nôn, khó tiêu, từng bị chẩn đoán viêm loét dạ dày hay bị các rối loạn tiêu hóa mà điều trị nội khoa lâu không đỡ...

Xem chi tiết…

Phương pháp mới trong điều trị ung thư gan

Với phương pháp phẫu thuật, người bệnh ung thư gan nguyên phát thường chỉ sống thêm nhiều nhất là 3 tháng. Nhưng với kỹ thuật nút hóa chất động mạch gan, thời gian sống của bệnh nhân kéo dài từ 18 tháng - 5 năm.


gan



Qua nghiên cứu 167 bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan được nút hóa chất động mạch gan tại BV Bạch Mai cho kết quả thời gian sống thấp nhất trên 12 tháng, trung bình là 18 tháng, đặc biệt có trường hợp sống thêm được hơn 5 năm.

Trước đó, để điều trị ung thư gan, phương pháp phẫu thuật được sử dụng nhiều nhất nhưng mang lại hiệu quả không cao, thời gian sống thêm chỉ khoảng hơn 9 tháng, vì có đến 80% trường hợp được chẩn đoán ung thư gan khi đã xuất hiện nhiều u (hoặc u quá lớn), u xâm lấn các tổ chức khác...

Còn với kỹ thuật nút hoá chất động mạch gan, ưu điểm nổi bật phải kể đến là không chảy máu, tránh được vết mổ, điều trị trực tiếp trên khối u (bơm hoá chất và làm tắc mạch nuôi khối u), các hoá chất huỷ diệt khối ung thư không tổn thương đến nhu mô lành lân cận, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân trung bình từ 1 – 5 năm. .

Tuy nhiên, phương pháp nút hóa chất động mạch gan không thể áp dụng đại trà cho tất cả các thể ung thư gan. Phương pháp này rất phù hợp với những bệnh nhân có khối u gan nguyên phát tương đối lớn, nằm gần các mạch lớn không thể cắt bỏ. Với những khối u có kích thước 10cm trở lại, chưa xâm lấn vào tĩnh mạch cửa gây huyết khối (lòng mạch đặc kết lại, mạch máu không còn lưu thông) thì nút mạch sẽ cho hiệu quả thấy rõ.

Nút hoá chất động mạch gan chống chỉ định với những bệnh nhân suy kiệt sức khoẻ, các chỉ số hoá sinh không cho phép, ung thư gan đã lan thành nhiều khối, di căn sang nơi khác, hay các loại ung thư di căn từ nơi khác đến gan (ví dụ ung thư tụy)...

Người bệnh bị vàng da do tắc mật, có các bệnh khác phối hợp như suy thận, suy tim, có tiền sử dị ứng cũng không phù hợp. Những bệnh nhân có thể trạng yếu cần phải được điều trị nội khoa tích cực cho đến khi ổn định mới có thể nút mạch.


So với các phương pháp điều trị ung thư gan khác, nút hoá chất động mạch gan với chi phí không nhiều, khoảng 3 triệu đồng/ một lần nút hóa chất. Số đợt nút mạch phụ thuộc sự đáp ứng với điều trị.

Theo Dan Tri

Xem chi tiết…

Tia xạ trị ung thư vòm họng

Tia xạ trị ung thư vòm họng

Ung thư vòm thường gặp ở người trưởng thành từ 35 - 55 tuổi, nam nhiều hơn nữ.

Nước ta nằm trong khu vực có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm rất cao, gần với tỷ lệ của người Trung Hoa: 20 - 30 lần so với các nước khác. Ung thư vòm đứng hàng thứ tư trong số mắc bệnh ung thư ở cả hai giới.

Cơ thể con người được cấu tạo bởi hàng tỷ tế bào. Phần sau của họng gọi là vòm mũi họng được lót bằng hàng triệu tế bào mà chúng phát triển và phân chia theo một trình tự nhất định.

Đôi khi các tế bào này không thể kiểm soát được sự phân chia của chúng dẫn đến sự phát triển một khối u. Thông thường các khối u vòm mũi họng là u ác tính, vì thế chúng có thể xâm lấn trực tiếp đến các vùng ở phía sau của họng.

Các tế bào ung thư theo đường bạch huyết, đường máu và lan tràn đến các hạch cổ và các cơ quan ở xa như xương, gan, não... Khi ung thư lan tràn đến các cơ quan đó, sẽ có dấu hiệu của di căn hoặc xâm lấn và có thể là nguyên nhân tử vong.

Hiện nay, nguyên nhân của ung thư vòm chưa được biết rõ, nhưng có thể liên quan đến một số chất trong thức ăn (cà muối, dưa khú...) và virus (siêu vi trùng). Ung thư vòm không lây truyền.

Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vòm mũi họng như sau:

+ Mũi: Ngạt tắc mũi, xì mũi, khịt mũi ra nhày lẫn máu.

+ Tai: ù tai (tiếng ve kêu trong tai như: o o, vù vù, vo vo...). Thay đổi hoặc nghe kém, đau, chảy nước tai.

+ Đau đầu: Đau âm ỉ một bên đầu, tăng dần.

+ Cổ: Một hay nhiều u cục hoặc khối cứng.

+ Họng: Khàn tiếng, nuốt vướng, đau, khạc ra nhày, máu.

Những triệu chứng này không có nghĩa là ung thư, nhưng khi những triệu chứng này tăng dần, phải cảnh giác và đến khám bác sĩ ngay.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách khám tai, mũi, họng với dụng cụ chuyên khoa hoặc sinh thiết (dùng kìm sinh thiết, lấy một mảnh tổ chức từ phía sau hốc mũi để chẩn đoán xác định qua kính hiển vi nếu nghi ngờ ung thư).

Tia xạ là phương pháp điều trị chủ yếu cho ung thư vòm. Thường phải dùng liều cao để diệt hết các tế bào ung thư. Tia xạ trực tiếp hướng vào khối u nguyên phát, đường dẫn lưu bạch huyết và hạch cổ.

Nếu ung thư vòm được phát hiện sớm điều trị tia xạ có thể chữa khỏi. Phẫu thuật rất hạn chế vì bệnh có thể điều trị triệt để bằng tia xạ. Chỉ mổ lấy những hạch còn sót lại sau tia xạ 2 tháng. Một số loại hóa chất được sử dụng điều trị phối hợp trong ung thư vòm, nhưng rất ít thuốc đem lại kết quả cho người bệnh

Phòng bệnh bằng cách điều trị sớm những viêm nhiễm đường mũi họng, không hút thuốc lá. Khi thấy các dấu hiệu nhức đầu, xì mũi ra máu, ù tai, hạch cổ to cần khám tai mũi họng, soi vòm để phát hiện sớm.

Điều trị tia xạ có thể đạt tỷ lệ khỏi bệnh 50%. Nói chung, nếu ung thư vòm được phát hiện sớm thì có thể chữa khỏi.
Xem chi tiết…

Ung thư phế quản - phổi

Ung thư phế quản - phổi là một trong những loại ung thư khó chữa, thường bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn...
Những biểu hiện
Những biểu hiện ở thời kỳ đầu cần lưu ý đó là, những người trên 35 tuổi, có triệu chứng ho dai dẳng, đặc biệt là ho từng cơn không dứt, trong thời gian ngắn không tìm ra được nguyên nhân; sau khi bị cảm mạo hay viêm khí quản, chữa trị mãi mà không hết chứng ho và triệu chứng càng lúc càng trầm trọng; khạc đàm thường có dính máu, lồng ngực thỉnh thoảng đau nhức dữ dội không có chỗ cố định; từng bị bệnh lao phổi hoặc viêm khí quản mãn tính, những cơn ho có tính cách quy luật thình lình thay đổi; trước không có phát rét hay phát sốt, đột nhiên hơi thở trở nên ngắn, tức ngực, lồng ngực chứa nước; có bệnh viêm phổi không dứt hẳn, triệu chứng trở đi trở lại hoặc càng lúc càng nặng; đau thấp khớp mà không rõ nguyên nhân, cơ bắp đau nhức dữ dội không dứt, đau tuy có phát sốt nhưng triệu chứng toàn thân không rõ; những người đã hút thuốc một thời gian dài, trong gia tộc có người cũng bị bệnh ung thư, công việc hằng ngày thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại.
Ở thời kỳ sau của bệnh, triệu chứng thường gặp là ho dữ dội, đàm có máu hoặc ho ra máu tươi, ngực đau nhói, phát sốt, thở khó, các khớp xương, cơ bắp thịt, thần kinh đau nhức...
Chữa trị theo cổ truyền
Theo lương y Hoài Vũ, ung thư phế quản - phổi là một trong những loại ung thư khó chữa, phần lớn bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn. Chỉ có khoảng 10% số bệnh nhân sống trên 5 năm. Ở phương diện y học cổ truyền, việc chữa trị dựa theo từng thể bệnh, mà có những bài thuốc dùng thích hợp.

Chẳng hạn, với thể âm hư đờm nhiệt - triệu chứng lâm sàng là ho ít đờm hoặc đờm trắng dính tí máu, miệng khô, sốt buổi chiều, ra mồ hôi trộm, người gầy ốm..., thì phép trị là "dương âm nhuận phế, thanh hóa đờm nhiệt", bài thuốc dùng gồm các vị thuốc: bắc sa sâm 16g, mạch môn 12g, thiên môn 12g, thạch hộc 12g, tang bạch bì 12g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, qua lâu nhân 6g, tử uyển 12g, ngư tinh thảo 12g, bán chi liên 12g, sơn đậu căn 12g, lô căn 12g, ý dĩ 20g, tỳ bà diệp 12g, đông qua nhân 12g, a giao 8g, xuyên bối mẫu 8g, hái cáp xác 20g, sinh thạch cao 8g.
Với thể khí âm hư - triệu chứng lâm sàng gồm ho nhỏ tiếng ít đờm, đờm lỏng nhớt, khó thở, tiếng nói nhỏ, mệt mỏi, ăn ít, gầy ốm, miệng khô, chất lưỡi đỏ..., thì phép trị là "ích khí dưỡng âm, thanh nhiệt hóa đàm", bài thuốc dùng gồm: đảng sâm 20g, mạch môn 12g, hoài sơn 12g, thục địa 8g, xuyên bối mẫu 8g, ngũ vị 6g. Với thể huyết ứ trệ - triệu chứng lâm sàng gồm khó thở, sườn ngực đau tức, váng đầu, ho đàm khó khạc, đàm có dính máu, dãn tĩnh mạch thành ngực hoặc tràn dịch màng phổi, môi lưỡi tím đỏ, rêu lưỡi mỏng vàng..., phép trị là "hành khí hoạt huyết, hóa đàm, nhuyễn kiên", bài thuốc dùng trong trường hợp này gồm: hạ khô thảo 20g, hải tảo 20g, bối mẫu 12g, xích nhược 12g, đương quy 12g, xuyên sơn giáp 12g, hồng hoa 6g, qua lâu 6g.
Cách sắc (nấu) những bài thuốc trên như sau: nước đầu cho các vị thuốc cùng 3 chén nước (độ 750 ml) nấu còn 250 ml; nước hai cũng cho nước vào nấu như trên và để còn 250 ml; hòa hai nước lại, chia làm 3 lần dùng trong ngà
Xem chi tiết…

Ung thư biểu mô khoang miệng

Ung thư khoang miệng cần phát hiện sớm



Ung thư khoang miệng có thể phát hiện sớm do bản thân bệnh nhân nhìn thấy hoặc được thầy thuốc thăm khám. Hằng năm, số lượng bệnh nhân mới ung thư khoang miệng tới 20.000, chiếm từ 6 - 15% tổng số các loại ung thư. Tuy là loại ung thư dễ dàng quan sát được nhưng phần lớn các bệnh nhân ung thư khoang miệng lại đến viện ở giai đoạn muộn, khi tổn thương ung thư đã lan rộng, phá hủy nhiều cấu trúc lân cận do đó tiên lượng sống của bệnh nhân bị giảm nhiều.

Vì sao khoang miệng bị ung thư?
Tuổi dễ mắc ung thư khoang miệng là từ 45-60 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới và nữ giới bị bệnh ung thư khoang miệng là tương đương nhau. Rượu, thuốc lá, ăn trầu được xem là những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư khoang miệng. Tình trạng vệ sinh răng miệng kém cũng được một số nhà nghiên cứu nhắc đến và coi là nguyên nhân gây loại ung thư này. Ung thư khoang miệng có thể gặp ở mọi cấu trúc giải phẫu như ung thư môi, ung thư vòm khẩu cái, ung thư lưỡi, ung thư lợi, ung thư sàn miệng, ung thư các tuyến nước bọt, ung thư niêm mạc miệng. Thời gian khởi phát bệnh trung bình từ 4-6 tháng.

Dấu hiệu của ung thư khoang miệng
Thường gặp là các tổn thương sùi ở các vị trí khác nhau của khoang miệng, sùi như mụn cóc, hơi thở hôi, đôi khi có hiện tượng thâm nhiễm cứng. Rất ít trường hợp bệnh nhân có cảm giác đau, chảy máu hoặc ảnh hưởng tới các chức năng nói, nuốt nên bệnh nhân thường chủ quan và không đi khám. Giai đoạn muộn, các tế bào ung thư tấn công vào toàn bộ khoang miệng, lan xuống vùng cổ gây nuốt vướng, nuốt khó, nuốt đau. Khối u hoại tử làm cho bệnh nhân hay nhổ ra máu, mùi hôi thối. Đau nhức răng, lung lay răng là một trong những triệu chứng hay gặp. Ung thư có thể phá hủy phần ngăn cách giữa khoang miệng và hốc mũi - khẩu cái cứng - gây ra sự thông thương giữa hai khoang này làm cho họ phát âm một số từ khó khăn như m, n. Xuất hiện hạch cổ thường là hạch dưới cằm, dưới hàm hạch cứng chắc, ít di động, dính vào da và thậm chí thâm nhiễm ra da.

Ung thư khoang miệng được điều trị như thế nào?
Khi sinh thiết khối u làm giải phẫu bệnh chủ yếu hình ảnh bệnh lý của ung thư khoang miệng là carcinom tế bào gai ít đáp ứng với tia xạ và hóa chất nên biện pháp phẫu thuật đến nay vẫn được xem như là phương pháp tối ưu kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Do đó việc phát hiện sớm ung thư khoang miệng giúp ích rất nhiều trong việc bảo tồn các phần của khoang miệng bị lấy đi, bảo đảm cho bệnh nhân về mặt thẩm mỹ cũng như chức năng của khoang miệng. Ở giai đoạn muộn, khi phải lấy bỏ khoang miệng rộng thì trong khi phẫu thuật ung thư khoang miệng, thầy thuốc thường phải kết hợp tạo hình lại một số vùng lấy đi nhằm bảo đảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau đó như tạo hình môi, tạo hình lưỡi... để bảo đảm về các chức năng nhai, nuốt, cảm giác vùng môi, tạo hình phân cách khoang miệng và mũi để tránh sặc khi ăn và phát âm chính xác. Một số trường hợp ung thư khoang miệng tiến triển đến giai đoạn không còn chỉ định phẫu thuật hoặc khi khối u đã lan rộng (T3, T4) sau phẫu thuật cần thiết phải kết hợp với tia xạ để bảo đảm tiêu diệt hết các tế bào ung thư còn sót lại.

Phương pháp phòng bệnh được khuyến cáo đối với việc hạn chế ung thư khoang miệng cho mọi người bằng cách sử dụng các biện pháp vệ sinh răng Miêng thật tốt, không nên sử dụng vôi trong khi ăn trầu, không hút thuốc lá và có cuộc sống lành mạnh.

(Ung Thư)

Xem chi tiết…

Ung thư lưỡi liên quan đến bệnh răng lợi mạn tính








Theo các bác sĩ thuộc Bệnh viện Texas và Trung tâm ung thư Rosswell park, Buffalo, Hoa Kỳ, nam giới mắc bệnh lý răng lợi mạn tính làm tăng nguy cơ ung thư lưỡi dù người đó có hút thuốc lá hay không.
Nghiên cứu so sánh 51 bệnh nhân nam ung thư lưỡi và 54 bệnh nhân không bị ung thư lưỡi từ năm 1999-2005. Làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm quanh răng trong đó quan trọng nhất là chụp phim hàm răng cận cảnh (phim Panorama) nhằm phát hiện các xương ổ răng mất vôi (hiện tượng tiêu xương), đặc trưng trong viêm quanh lợi răng thì thấy những bệnh nhân ung thư lưỡi có hiện tượng tiêu xương ổ răng nhiều hơn hẳn những người bình thường. Trung bình ổ tiêu xương kích thước 4,21mm ở bệnh nhân ung thư lưỡi và 2,74mm ở nhóm còn lại.

Sau khi loại bỏ các yếu tố nhiễu như tuổi, hút thuốc, số lượng răng, họ đã chỉ ra rằng: cứ 1mm tiêu xương ổ răng làm tăng 5,23 lần nguy cơ mắc ung thư lưỡi.

Theo các nhà nghiên cứu, việc phát sinh ung thư có thể do các vi khuẩn trực tiếp làm thay đổi gen tế bào hoặc gián tiếp thông qua quá trình viêm.
Theo Arch Otolaryngol Head Neck Surg, 5/2007
Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống

Xem chi tiết…

Ung thư miệng



ung-thu-mieng- Một số người cứ nghĩ mình bị nhiệt miệng và không đi chữa, cuối cùng được chẩn đoán là ung thư miệng.
Ung thư khoang miệng là một trong 10 bệnh ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam. Hằng năm, số lượng bệnh nhân mới ung thư khoang miệng tới 20.000, chiếm từ 6%-15% tổng số các loại ung thư.
Tuy là loại ung thư dễ dàng quan sát được nhưng phần lớn bệnh nhân ung thư khoang miệng lại đến khám ở giai đoạn muộn, khi tổn thương ung thư đã lan rộng. Bệnh dễ bị bỏ qua bởi những tổn thương khiến người bệnh lầm tưởng họ chỉ bị những viêm nhiễm vùng miệng đơn giản.
Các yếu tố nguy cơ
  • Rượu, thuốc lá, ăn trầu được xem là những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư khoang miệng. Khi uống rượu, nhất là các loại rượu mạnh có thể gây bỏng niêm mạc miệng. Các tổn thương này tiến triển đến một mức độ nào đó thì sẽ trở thành ung thư. Tình trạng vệ sinh răng miệng kém cũng được coi là nguyên nhân gây loại ung thư này.
Một số yếu tố nguy cơ khác như nhiễm virus gây mụn giộp (Herpes), virus gây u sùi (HPV), thiếu máu Fanconi... cũng được cho là có liên quan đến ung thư khoang miệng.
Ung thư khoang miệng thường gặp hơn cả là ung thư lưỡi, ung thư niêm mạc má và ung thư môi.
Bệnh dễ bị bỏ qua
  • Hầu hết các bệnh nhân bị ung thư miệng không có cảm giác đau ở giai đoạn sớm nên bệnh nhân thường chủ quan và không đi khám.
Có nhiều triệu chứng để nhận biết ung thư khoang miệng trong đó thường gặp nhất là những vết loét không liền ở lưỡi, sàn miệng hoặc niêm mạc má. Các vết loét này có thể đau, chảy máu nhưng có trường hợp lại không gây khó chịu gì.
Khi tổn thương lớn lên mới xuất hiện thêm nhiều triệu chứng như nuốt đau, tai đau, thay đổi giọng nói, không phối hợp được động tác nuốt hoặc xuất hiện hạch cổ. Người bệnh có những tổn thương bị tái phát nhiều lần trong miệng, xuất hiện một điểm sưng tấy hoặc nổi một u ở bất kỳ điểm nào trong miệng hoặc ở cổ.
Vì thế khi phát hiện một vết loét ở trong miệng dù cho có liên quan với chấn thương hay bệnh viêm loét miệng nếu sau 3 tuần không khỏi, nên tìm đến bác sĩ để khám xác định bệnh. Ung thư khoang miệng khi được phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao.
Khi nào cần đi khám bệnh
Hãy đến gặp bác sĩ nếu có:
* Vết loét trong miệng không liền
* Có khối hoặc những mảng trắng, đỏ hoặc đen trong miệng
* Cảm thấy đau kéo dài hoặc mất cảm giác bên trong miệng
* Chảy máu trong miệng lặp lại nhiều lần
* Bất kỳ sự thay đổi nào khi quan sát hoặc thay đổi cảm giác của mô mềm trong miệng
Điều trị
  • Kết hợp phẫu thuật và tia xạ để điều trị ung thư miệng và họng ở giai đoạn sớm. Với ung thư ở giai đoạn tiến triển muộn, bác sĩ dùng phẫu thuật kết hợp với xạ trị hoặc xạ trị kết hợp với hoá trị.
Phẫu thuật: Phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u. Có thể cắt bỏ u mà không tác động tới các mô xung quanh. Tuy nhiên, nếu u đã xâm lấn mô xung quanh thì phẫu thuật mở rộng với nhiều sự bổ sung phức tạp.
Xạ trị: Để tiêu diệt tế bào ung thư, có khi kết hợp với hoá chất để điều trị u lớn.
Hoá trị: Dùng thuốc để phá huỷ tế bào ung thư, qua đường tĩnh mạch hoặc đường uống.
Thuốc ức chế sự hình thành mạch: Thuốc ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới cần cho sự phát triển của ung thư.
Phẫu thuật tái tạo lại cấu trúc: Tái tạo lại cấu trúc miệng, điều chỉnh những khó khăn về vấn đề nhai, nuốt, nói và thở.
Phục hồi chức năng: Việc điều chỉnh sau phẫu thuật giúp vượt qua những khó khăn về nói và nuốt.
BS Đào Xuân Dũng
Xem chi tiết…

Ung thư hạch không Hodgkin - "sát thủ" thầm lặng

Ảnh: Sciencephoto
Ung thư hạch không Hodgkin (còn được gọi là NHL) là ung thư bắt nguồn từ hệ tạo huyết. Hệ tạo huyết là một phần của hệ miễn dịch cơ thể. Hệ miễn dịch cơ thể có chức năng chống chọi chứng nhiễm trùng và những bệnh tật khác.
Nguyên nhân gây bệnh
Không phải lúc nào bác sĩ cũng có thể giải thích được tại sao người này bị mắc bệnh ung thư hạch mà người khác lại không bị. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng một người với một số yếu tố tiềm ẩn cụ thể có thể dễ bị mắc bệnh hơn những người khác.
Các nghiên cứu cho thấy những cá nhân có hệ miễn dịch yếu (như rối loạn tự miễn dịch), hoặc bị nhiễm trùng (như virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở người, HIV) thường có nguy cơ phát triển ung thư hạch không Hodgkin cao. Mặc dù người trẻ tuổi cũng có thể bị nhiễm ung thư hạch không Hodgkin, nhưng bệnh thường xuất hiện ở những người cao tuổi. Hầu hết những người bị nhiễm bệnh ung thư hạch không Hodgkin đều trên 60 tuổi.
Triệu chứng
Bệnh ung thư hạch không Hodgkin có thể gây ra những triệu chứng sau:
  • Nổi hạch, sưng nhưng không đau ở cổ, nách, hoặc ở háng.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Sốt
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Ho, khó thở, hoặc đau ngực
  • Thường xuyên thấy yếu người và mệt mỏi
  • Đau, sưng tấy, hoặc có cảm giác đầy hơi ở vùng bụng
Thường thì các triệu chứng này không phải do ung thư. Các vấn đề khác về sức khỏe cũng có thể gây ra các triệu chứng này. Những ai có các triệu chứng trên cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Chẩn đoán
Nếu bạn có hạch bạch huyết sưng lên hoặc những triệu chứng khác cho thấy có nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch không Hodgkin, bác sĩ sẽ phải tìm ra liệu bệnh bắt nguồn từ ung thư hay những bệnh khác.
Người bệnh được yêu cầu xét nghiệm máu và làm một số chẩn đoán:
  • Kiểm tra thể trạng: Bác sĩ sẽ yêu cầu kiểm tra các hạch bạch huyết bị sưng trên cổ, dưới tay, và dưới háng. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra lá lách và gan để xem chúng có bị sưng hay không.
  • Xét nghiệm máu: Phòng thí nghiệm sẽ làm xét nghiệm máu toàn diện để kiểm tra số lượng tế bào máu. Phòng thí nghiệm cũng kiểm tra để tìm những chất khác, như Lactate dehydrogenase (LDH). Ung thư hạch có thể làm tăng nồng độ LDH.
  • Chụp X-quang vùng ngực: Người bệnh phải chụp X-quang để kiểm tra các hạch bạch huyết sưng hoặc những dấu hiệu bệnh khác tại vùng ngực.
  • Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy mô để tìm các tế bào ung thư hạch. Sinh thiết là cách duy nhất để chẩn đoán ung thư hạch. Bác sĩ có thể cắt bỏ toàn hạch bạch huyết (cắt bỏ sinh thiết) hoặc chỉ một phần của hạch bạch huyết (cắt một phần sinh thiết). Nhà bệnh học sẽ kiểm tra và tìm tế bào ung thư hạch bằng kính hiển vi.
Đánh giá ung thư hạch
Bác sĩ cần xác định được mức độ (giai đoạn) lây lan của ung thư hạch không Hodgkin để có kế hoạch chữa trị tối ưu. Các giai đoạn dựa vào việc các tế bào ung thư hạch được tìm thấy (trong hạch bạch huyết hoặc những cơ quan khác hoặc tại các mô) và quy mô vùng nhiễm bệnh.
Các giai đoạn phát triển của ung thư hạch không Hodgkin:
Giai đoạn I: Các tế bào ung thư hạch có trong nhóm hạch bạch huyết đơn (chẳng hạn như ở cổ hoặc dưới cánh tay). Hoặc, nếu những tế bào bất thường không có trong những hạch bạch huyết mà chúng chỉ nằm trong một phần của mô hoặc một cơ quan (như nằm trong phổi nhưng lại không có ở gan hoặc tủy xương).
Giai đoạn II: Các tế bào ung thư hạch có trong ít nhất hai nhóm hạch bạch huyết cùng phía (bên trên hoặc bên dưới) của cơ hoành. Hoặc, các tế bào ung thư hạch nằm trong một cơ quan và cách hạch bạch huyết gần cơ quan đó (cùng phía với cơ hoành). Có nhiều tế bào ung thư hạch trong các hạch bạch huyết khác cùng phía của cơ hoành.
Giai đoạn III: Ung thư hạch nằm trong nhóm hạch bạch cầu phía trên và dưới cơ hoành. Bệnh này còn gặp ở trong cơ quan hoặc mô gần những nhóm hạch bạch huyết này.
Giai đoạn IV: Ung thư hạch có mặt ít nhất tại một cơ quan hoặc một mô (bên cạnh các hạch bạch huyết). Hoặc nó ở trong gan, máu, hoặc tủy xương.
Xem chi tiết…

Các tác nhân gây ung thư

Một tác nhân sinh ung thư có thể gây ra một số loại ung thư và ngược lại, một loại ung thư có thể do một số tác nhân khác nhau.

Tác nhân vật lý và thuốc lá

Ngày nay người ta biết rõ ung thư không phải do một nguyên nhân gây ra. Tùy theo mỗi loại ung thư mà có những nguyên nhân riêng biệt. Có nhiều yếu tố liên quan đến sinh bệnh ung thư trong đó có 3 nhóm tác nhân chính gây ung thư: Vật lý, hóa học và sinh học.

Tác nhân vật lý Bức xạ ion hóa Bức xạ ion chính là nguồn tia phóng xạ phát ra từ các chất phóng xạ tự nhiên hoặc từ nguồn xạ nhân tạo được dùng trong khoa học và y học có khả năng ion hóa vật chất khi bị chiếu xạ. Người ta biết rằng có nhiều cơ quan xuất hiện ung thư sau khi bị chiếu xạ nhưng loại nguyên nhân này chỉ chiếm 2 – 3% trong số các trường hợp ung thư, chủ yếu là ung thư tuyến giáp, ung thư phổi và ung thư bạch cầu.


Từ thế kỷ 16, người ta thấy nhiều công nhân mỏ ở Joachimstal (Tiệp Khắc) và ở Schneeberg (Đức) mắc một loại bệnh phổi và chết. Về sau cho thấy đó chính là ung thư phổi do chất phóng xạ trong quặng đen có chứa uranium. Điều này còn được ghi nhận qua tỷ lệ mắc ung thư phổi khá cao ở các công nhân khai mỏ uranium giữa thế kỷ 20.


Nhiều nhà X quang đầu tiên của thế giới đã không biết tác hại to lớn của tia X đối với cơ thể. Họ đã không biết tự bảo vệ và nhiều người trong số họ mắc ung thư da và bệnh bạch cầu cấp. Ung thư bạch cầu cấp có tỷ lệ khá cao ở những người sống sót sau vụ thả bom nguyên tử của Mỹ ở 2 thành phố Nagasaki và Hiroshima năm 1945.


Gần đây người ta đã ghi nhận khoảng 200 thiếu niên bị ung thư tuyến giáp Leucemie sau nụ nổ ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Tác động của tia phóng xạ gây ung thư ở người phụ thuộc 3 yếu tố: - Tuổi tiếp xúc càng nhỏ càng nguy hiểm (nhất là bào thai). Việc sử dụng siêu âm chẩn đoán các bệnh thai nhi thay cho X quang là tiến bộ nhất lớn. - Mối liên hệ liều – đáp ứng. - Cơ quan bị chiếu xạ: Các cơ quan như tuyến giáp, tủy xương rất nhạy cảm với tia xạ. Bức xạ cực tím Tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời. Càng gần xích đạo tia cực tím càng mạnh. Tác nhân này chủ yếu gây ra ung thư ở da.

Những người làm việc ngoài trời như nông dân và thợ xây dựng, công nhân làm đường có tỷ lệ ung thư tế bào đáy và tế bào vảy ở vùng da hở (đầu, cổ, gáy) cao hơn người làm việc trong nhà. Đối với những người da trắng sống ở vùng nhiệt đới, tỷ lệ ung thư hắc tố cao hơn hẳn người da màu. Cần phải lưu ý trào lưu tắm nắng thái quá ở người da trắng chịu ảnh hưởng nhiều của tia cực tím. Trẻ em cũng không nên tiếp xúc nhiều với tia cực tím.


Thuốc lá

Thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 90% ung thư khí - phế quản. Tính chung thuốc lá gây ra khoảng 30% trong số các trường hợp ung thư chủ yếu là ung thư phế quản và một sôôúng thư vùng mũi họng, ung thư tụy, ung thư đường tiết niệu. Trong khói thuốc lá chứa rất nhiều chất Hydrocarbon thơm. Trong đó phải kể đến chất 3 –4 Benzopyren là chất gây ung thư trên thực nghiệm.


Qua thống kê cho thấy người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phế quản gấp 10 lần người không hút. Nếu nghiện nặng trên 20 điếu/ 1 ngày có từ 15 đến 20 lần nguy cơ cao hơn người không hút. Hút thuốc ở tuổi càng trẻ càng có nguy cơ cao. Hút thuốc lá nâu có nguy cơ cao hơn thuốc lá vàng.


Ở Việt Nam hút thuốc lào, ăn trầu thuốc cũng có nguy cơ cao hơn, kể cả ung thư khoang miệng. Đối với người đang nghiện mà bỏ hút thuốc cũng giảm được nguy cơ. Tuy nhiên còn lâu nữa mới giảm được số người hút thuốc và ngày nay số trẻ em tập hút thuốc khá cao, nhất là ở tuổi học đường. Phụ nữ hút thuốc, đặc biệt là phụ nữ Châu Âu hút nhiều và nghiện như nam giới. Tỷ lệ số người hút thuốc cao phần nào giải thích tỷ lệ ung thư phổi và ung thư tụy tăng cao.


Với những người không hút thuốc mà sống trong một khoảng không gian hẹp với người hút thuốc khói thuốc cũng có nguy cơ ung thư. Được gọi là hút thuốc thụ động. Điều lưu ý đặc biệt là trẻ em nhiễm khói thuốc lá rất nguy hại. Mặc dù biết rõ tác hại sinh ung thư của thuốc lá nhưng việc xóa bỏ thuốc lá, giảm sản xuất và buôn bán thuốc lá là vấn đề khó khăn. Nguyên nhân chính là vấn đề lợi nhuận. Thực sự đây là vấn đề mà xã hội mà các quốc gia cần quan tâm./.


Theo Lao động
Xem chi tiết…

Các biện pháp điều trị ung thư

tb_ungthu
Ung thư được xem là bệnh nan y, nhưng nhờ phối hợp tốt 3 phương thức trị liệu chủ yếu là: xạ trị (tức dùng tia phóng xạ để trị), phẫu trị (phẫu thuật cắt bỏ khối u), hóa trị (dùng thuốc để trị) mà tỷ lệ sống của người bệnh tăng lên đáng kể.

Riêng thuốc trị ung thư dùng trong hóa trị là loại thuốc khó sử dụng hơn các loại khác vì nhiều độc tính và phải tuân thủ theo thời gian biểu dùng thuốc nghiêm ngặt. Thuốc này thường chỉ bán ở một số nhà thuốc bệnh viện và thông tin về thuốc khá hạn chế.

Tế bào ung thư nhằm chặn đứng sự phát triển và lan tràn của ung thư. Hiện nay, các thuốc trị ung thư có thể phân ra 4 nhóm lớn có đặc điểm chung là gây độc làm chết tế bào ung thư:

Nhóm thuốc có nguồn gốc thực vật: Gồm thuốc là các hợp chất được lấy từ một số cây cỏ, như vinblastin, vincristin được lấy từ cây dừa cạn (vinca rosea).

Nhóm kháng sinh kháng ung thư: Có một số kháng sinh không được dùng để trị bệnh nhiễm trùng (gọi là kháng khuẩn hay kháng nấm) mà chỉ để trị ung thư như doxorubicin, bleomycin...

Nhóm thuốc kháng chuyển hóa: Là các thuốc gây cản trở tiến trình tổng hợp các chất cần thiết của tế bào, như methotrexat fluorouracil ngăn chặn sự tổng hợp các chất cần cho nhân của tế bào.

Nhóm thuốc alkyl hóa: Là các thuốc gây độc cho tế bào bằng cách gắn một gốc hóa học có tên là alkyl vào một số chất có trong tế bào, gồm có cisplatin, cyclophosphamid... có khả năng đưa gốc alkyl vào cấu trúc ADN ngăn cản sự tái bản của ADN trong nhân tế bào.

Ngoài 4 nhóm trên còn có thuốc tác động đến hormon như tamoxiphen có tác động kháng estrogen, một hormon sinh dục nữ, được dùng trị ung thư vú.

Nhược điểm chung của thuốc trị ung thư hiện nay là: không chọn lọc để chỉ tác dụng trên tế bào ung thư mà không gây hại tế bào lành, dễ bị nhờn thuốc và giảm dần tác dụng. Gần như tất cả các thuốc trị ung thư đều có hệ số an toàn trị liệu thấp, chúng có thể gây độc cho tế bào lành và gây các tác dụng phụ rất nặng nề như: rụng tóc, nôn dữ dội...

Thuốc trị ung thư là loại thuốc bắt buộc dùng theo sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa, bởi vì chỉ có bác sĩ mới am hiểu chuyên môn thực hiện các điều sau:

- Thực hiện các nguyên tắc phối hợp thuốc. Tức là dùng nhiều loại thuốc cùng lúc để: tránh nhờn thuốc, diệt tế bào ung thư tối đa và độc tính gây ra tối thiểu, nhằm chữa khỏi một số ít bệnh (bệnh bạch cầu Hodgkin nếu phối hợp thuốc tốt có thể chữa khỏi), hoặc nhằm giảm triệu chứng ở bệnh chưa khỏi được (ung thư phổi, ung thư ruột kết là loại hiện nay chưa thể chữa khỏi).

- Điều trị theo nhịp để không bị độc hại, như cho dùng thuốc liều cao trong một thời gian (khoảng 3-4 tuần) để đạt tác dụng diệt tế bào ung thư, sau đó có thời gian ngưng dùng thuốc để cơ thể bị nhiễm độc có thể hồi phục.

- Điều trị cứu nguy nhằm làm giảm độc tính của thuốc, như sau đợt dùng thuốc methotrexat có nguy cơ bị độc tính ở ruột và tủy xương, thuốc leucovorin được dùng để bảo vệ các tế bào lành.

- Chọn đường dùng cho thuốc và chọn dùng thuốc thích hợp. Ví dụ sactinomycin, doxorubicin không được tiêm bắp mà phải tiêm tĩnh mạch để kháng hoại tử mô. Cytarabin phải được tiêm truyền tĩnh mạch nhỏ giọt để duy trì nồng độ thuốc trị liệu trong máu. Procarbazin là một trong số ít thuốc vượt qua hàng rào máu não nên được dùng trị u não. Có khi thuốc phải được đưa thẳng vào nơi có khối u như được tiêm vào màng phổi, phúc mạc, bàng quang, động mạch gan, động mạch cổ...

Đối với người bệnh, khi được bác sĩ chuyên khoa chỉ định thuốc, cần tuân thủ thực hiện tất cả những gì bác sĩ yêu cầu. Như phải dùng thuốc kéo dài đúng thời gian (thuốc đã được cho dùng 6 tháng hay 1 năm lại phải dùng kéo dài hơn cho đến khi thấy hiệu quả tốt). Phải dùng thuốc theo đúng đường sử dụng (như uống, tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch tùy theo bác sĩ chỉ định). Hoặc khi đang dùng thuốc gặp những phản ứng bất thường phải báo cho bác sĩ biết.

(Theo Sức Khỏe và Đời Sống)
Xem chi tiết…

Ung thư phổi và những điều nên biết

Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong những bệnh nhân ung thư ở nam giới. Ở Việt Nam theo số liệu ghi nhận tại một số vùng ung thư phổi đứng hàng đầu và chiếm 20% trong tổng số hàng trăm loại ung thư.


Các triệu chứng nhận biết








Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài. Thở ngắn, ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Một thời gian sau bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi.


Cần chú ý rằng có khoảng 13% bệnh nhân không biểu hiện bất cứ một triệu chứng nào như trên khi khối u của họ được phát hiện.


Phương pháp phát hiện


Có nhiều kỹ thuật được sử dụng để phát hiện ung thư phổi. Ung thư phổi thường được phát hiện đầu tiên bằng chụp Xquang lồng ngực. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thể xác định chính xác hơn vị trí của khối u, kích thước và biết được khối u đã phát triển ra ngoài phổi hay chưa. Có thể chẩn đoán bằng cách sinh thiết, phương pháp sinh thiết thông thường nhất là dùng ống nội soi phế quản. Đưa một ống nhỏ, mềm, dẻo qua mũi hay miệng sau khi đã gây tê, đi qua khí quản vào phổi. Phương pháp này được sử dụng trên 80% bệnh nhân và 2/3 có kết quả sinh thiết dương tính. Xét nghiệm đờm tìm tế bào ung thư chỉ có 1/3 số ca có kết quả dương tính. Nếu khối u ở rìa phổi hay ở xa phế quản thì nội soi phế quản hay xét nghiệm đờm có thể không phát hiện được. Hoặc dùng một kim nhỏ xuyên qua thành ngực vào vùng bất thường sau khi đã gây tê tại chỗ. Phương pháp này chẩn đoán được trên 90% bệnh nhân. Đôi khi cần thiết phải tiến hành sinh thiết thêm nếu các phương pháp trên không thành công. Những mẫu sinh thiết lấy được, được nhuộm và soi dưới kính hiển vi quang học.


Những nguyên nhân gây ung thư phổi


Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Mặc dù còn 4% bệnh nhân bị ung thư phổi mà không hút thuốc, nhưng vài người trong số họ đã hít một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hít khói của người hút thuốc lá). 90% bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ ngày trong 20 năm.


Những công nhân tiếp xúc với bụi silic có nguy cơ cao bị ung thư phổi. Nguy cơ này sẽ tăng lên nhiều lần nếu bệnh nhân có hút thuốc lá.


Những tiếp xúc nghề nghiệp khác liên quan tới ung thư phổi bao gồm tiếp xúc với quá trình luyện thép, ni-ken, crôm và khí than.


Tiếp xúc với tia phóng xạ có nguy cơ bị các bệnh ung thư trong đó có cả ung thư phổi. Những công nhân mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khí radon.


Ngoài ra, nguy cơ ung thư phổi liên quan đến các chất gây ô nhiễm không khí. Các nghiên cứu gần đây thấy ung thư phổi có liên quan yếu tố gen.


Các phương pháp điều trị


Phẫu thuật loại bỏ khối u:


Có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân có thể trạng tốt để phẫu thuật. 20% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này. Những bệnh nhân được phẫu thuật lấy toàn bộ khối u có thời gian sống thêm lâu dài.


Điều trị tia xạ:


Phương pháp này được áp dụng cho 35% bệnh nhân. Mục đích là phá hủy khối u khi nó còn nhỏ (thường có đường kính 6 cm) và không có di căn. Đối với những khối u lớn thì nó làm giảm sự phát triển của khối u. Phương pháp điều trị này kéo dài đời sống của bệnh nhân nhưng ít khi chữa khỏi bệnh.


Điều trị bằng hóa chất:


Có tác dụng tốt ở hầu hết bệnh nhân ung thư phổi loại tế bào nhỏ và đôi khi ở những loại ung thư phổi khác. Những tiến bộ gần đây về hóa trị liệu đã làm giảm đáng kể những tác dụng phụ so với trước đây.


Điều trị hỗ trợ:


Chỉ áp dụng cho khoảng 1/3 bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn không điều trị được bằng các phương pháp kể trên, bao gồm chăm sóc bệnh nhân, điều trị triệu chứng và làm giảm đau.


Cần có một chế độ ăn thích hợp, nghỉ ngơi, chăm sóc về mặt y tế và giải trí đôi khi giúp ích cho bệnh nhân.


Ở hầu hết các bệnh nhân ung thư, kết quả điều trị tốt nhất khi ung thư được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.


Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị mới bao gồm đưa chất đồng vị phóng xạ vào phế quản, điều trị bằng tia xạ, điều trị bằng laser, các thuốc hóa chất mới, những nghiên cứu sinh học phân tử đang được tiến hành và đã thu được một số kết quả.


TS. Trần Văn Thuấn


(PGĐ Bệnh viện K - Phó trưởng ban điều hành dự án phòng chống ung thư)

Xem chi tiết…