Khi không khí ô nhiễm, sức khỏe của con người bị đe dọa bởi các bệnh viêm phổi, hen suyễn, ung thư, viêm khí quản, tim mạch, suy nhược thần kinh…, làm giảm tuổi thọ. Nhóm cộng đồng nhạy cảm nhất là người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 15 tuổi, người đang mang bệnh, người thường làm việc ngoài trời…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 17-10 đã xếp ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở người, hơn cả việc hút thuốc thụ động. Tỉ lệ tử vong có sự khác biệt lớn mà khu vực Đông Nam Á là nghiêm trọng nhất. Phương án khẩn cấp xử lý ô nhiễm không khí đang được nhiều quốc gia quan tâm.
Đây là lần đầu tiên Viện quốc tế chuyên nghiên cứu về bệnh ung thư (IARC) - thuộc WHO - coi ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra các căn bệnh chết người này. Nguồn gây ô nhiễm lớn nhất là khí thải từ giao thông vận tải, các nhà máy điện, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.
"Nước bị ô nhiễm có thể xử lý lọc sạch, đun sôi trước khi uống, còn không khí bị ô nhiễm thì con người phải thở hít trực tiếp..., gây ra nhiều bệnh tật”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) TS Hoàng Dương Tùng cảnh báo. Gần như 100% đô thị lớn của nước ta hiện đang bị ô nhiễm bụi. Ô nhiễm không khí ở ta tiếp tục gia tăng chủ yếu từ giao thông do 100% xe máy chưa được kiểm soát nguồn thải. Những hạt bụi nhỏ liti (PM2.5) lơ lửng trong không khí có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây ung thư và nhiều bệnh về đường hô hấp.
Trong khi các chuyên gia quốc tế đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 nước ô nhiễm không khí nặng nề nhất. Vấn đề này ở ta tiếc thay chưa được quan tâm đúng mức. Việc quản lý chất lượng không khí vẫn đang "cha chung không ai khóc”, chồng chéo giữa các bộ ngành. Chính phủ giao Bộ TN&MT thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về môi trường, trong đó có không khí, nhưng rốt cục lại giao cho Bộ GTVT kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, cải thiện chất lượng không khí đô thị. Việc đánh giá, kiểm soát nguồn thải giao các Bộ GTVT, Công thương, Xây dựng...
Vẫn theo TS Hoàng Dương Tùng, hiện toàn bộ 9 trạm quan trắc không khí tự động ở TPHCM và 2 trạm tại Hà Nội đã "bất động”, nghĩa là mức độ ô nhiễm môi trường tại 2 thành phố lớn này đang tuột khỏi tầm kiểm soát của các chuyên gia. Lý do là thiếu kinh phí duy trì, bảo dưỡng và hiệu chỉnh, theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Tổng cục Môi trường). Tình hình trạm quan trắc "bất động” hoặc hoạt động cầm chừng còn xảy ra tại nhiều địa phương.
Công cụ kiểm soát ô nhiễm không khí là các trạm quan trắc vừa yếu lại vừa thiếu, đã không cập nhật số liệu về chất lượng không khí tại Hà Nội, TPHCM…, nên cũng không công khai thông tin mọi trường hợp phát thải vượt mức cho phép cho người dân biết. Mỗi năm Hà Nội cấp khoảng 1,5 tỷ đồng để duy trì sự hoạt động của các trạm quan trắc song chỉ đủ duy trì đội ngũ kỹ thuật, chứ không thể mua sắm trang thiết bị thay thế.
Theo đánh giá của WHO, nếu chất lượng không khí tại Hà Nội tiếp tục đi xuống như hiện nay, số người nhiễm bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như viêm phế quản cấp và mãn tính, hen suyễn, các vấn đề về tim mạch... sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Cần mạnh tay xử lý ô nhiễm không khí.
Tổng cục Môi trường đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, với sự hỗ trợ từ Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam. Dự kiến cuối năm nay, Tổng cục sẽ trình lãnh đạo Bộ TN&MT dự thảo Kế hoạch để đưa vào chương trình xây dựng văn bản và trình Thủ tướng Chính phủ năm 2014. Trọng tâm giờ đây là cần xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại các thành phố lớn, khu công nghiệp để giám sát, phát hiện ô nhiễm không khí hoặc các nguồn khí thải gây ô nhiễm.