Lần đầu tại Việt Nam, Bệnh viện 108 phẫu thuật thành công khối u khí quản, mở ra triển vọng mới trong điều trị ung thư khi quản và biến chứng hẹp khí quản sau thở máy. Tiến sĩ Hoàng Quốc Toàn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thế giới mới công bố 22 ca hẹp khí quản do chạy tia chữa
ung thư được cắt nối thành công. Tại Việt Nam, đây là lần đầu các bác sĩ cắt bỏ toàn bộ khối u xâm lấn khí quản, lấy mạc nối lớn dưới bụng đặt sau xương ức thành vạt ôm phủ khí quản sau cắt nối, cứu sống bệnh nhân.
Cắt triệt để khối ung thư Chị Nguyễn Thị M. (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị
ung thư tuyến giáp đã được xạ trị tại Singapore. Sau đó, u ác tính di căn lại xuất hiện trong lòng khí quản, chị phải tiếp tục sang Singapore điều trị, song bị trả về nước vì diễn biến bệnh nặng, không còn khả năng phẫu thuật. “Còn nước còn tát”, gia đình đưa chị tới Bệnh viện 108. Tại đây, sau khi được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u gây tắc đường thở, nối khí quản…, chị đã hết khó thở và nói được bình thường. Một trường hợp khác là anh Trần Đăng S., 25 tuổi, bị tai nạn hôn mê được mở khí quản để giúp hô hấp, nhưng sau đó phần khí quản này bị biến chứng hẹp dần khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Các bác sĩ đã cắt bỏ đoạn hẹp, sau đó nối lại, giúp bệnh nhân tự thở bình thường.
Một ca mổ ghép nối khí quản ở Bệnh viện 108 Theo tiến sĩ Toàn, hẹp khí quản gây tắc đường thở rất thường gặp và nhanh chóng gây tử vong cho bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời. Tổn thương hẹp khí quản xảy ra do rất nhiều nguyên nhân: sau mở khí quản, hẹp bẩm sinh, u nguyên phát tại khí quản, có u trong trung thất, vùng cổ tuyến giáp xâm lấn, lao, chít hẹp sau xạ trị
ung thư vùng cổ, sau tai nạn đa chấn thương phải đặt ống nội khí quản dài ngày…
Nói được ngay sau phẫu thuật Thạc sĩ Ngô Vi Hải, khoa Phẫu thuật lồng ngực, cho biết, trước đây khi chưa có kỹ thuật cắt nối - tạo hình khí quản, bệnh nhân bị hẹp khí quản thường được điều trị sẹo hẹp bằng nong, đốt laze, sóng cao tần… Phương pháp này chỉ giải quyết được phần niêm mạc, trong khi tổn thương chiếm toàn bộ chiều dày thành khí quản nên dễ tái phát. Hơn nữa, với tổn thương hẹp do khối u thì cách trên không giải quyết được khối u và có nhiều rủi ro trong quá trình can thiệp.
Phương pháp phẫu thuật cắt nối và tạo hình không những loại bỏ triệt để phần chít hẹp, loại bỏ u, mà còn có tỷ lệ tái phát thấp dưới 5% (sau vài năm, tổn thương này có thể điều trị thành công bằng các kỹ thuật đốt laser hoặc sóng cao tần).
Theo thạc sĩ Hải, phẫu thuật được chỉ định đối với những trường hợp bị chít hẹp trên 50% đường kính khí quản, bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng khó thở tăng dần và nhiễm trùng hô hấp. Các trường hợp bị hẹp do đặt nội khí quản, hoặc mở khí quản… sẽ được phẫu thuật cắt bỏ đoạn chít hẹp rồi khâu nối. Nhưng đối trường hợp chít hẹp sau xạ trị, bị u bên trong, các bác sĩ sẽ phải phẫu thuật cắt toàn bộ khối u, loại bỏ phần chít hẹp giải phóng đường thở và tạo hình.
Ngay sau ca mổ, bệnh nhân có thể rút nội khí quản, có thể nói được bình thường và ra viện sau 7 - 10 ngày.